Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Giấc mơ Mỹ' của hàng không Việt đang ở đâu sau khi có slot bay?

(VTC News) -

Bay thẳng đến Mỹ là ước muốn cháy bỏng của các hãng hàng không Việt Nam từ xưa đến nay.

Hiện nay, hai hãng hàng không Việt Nam đã được các sân bay Mỹ cấp slot bay (lượt cất, hạ cánh theo giờ)  là Vietnam Airlines và Bamboo Airways. Tuy nhiên, điều này có đồng nghĩa với việc các hãng bay Việt đã có thể hiện thực hóa “Giấc mơ Mỹ” trong năm 2021?

Được sân bay Mỹ cấp slot không đồng nghĩa với việc hàng không Việt đã có thể bay thẳng đến Mỹ, do vẫn còn nhiều thủ tục phải hoàn thiện.

Hàng không nội chạy đua bay Mỹ

Vào đầu năm 2019, Cục Hàng không Việt Nam đã được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1). Từ đó đến nay, cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways đều liên tiếp phát đi những thông tin cho hay về việc sẽ triển khai bay thẳng đến Mỹ, ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hiện tại, Vietnam Airlines là hãng đã có những bước tiến xa nhất trong việc đáp ứng điều kiện bay thẳng đến Mỹ. Đầu tháng 9/2020, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên được Bộ GTVT Mỹ cấp phép bay thương mại đến Mỹ. Vietnam Airlines cũng đã được cấp slot cất hạ cánh ở các sân bay Mỹ từ cách đây 02 năm (2019).

Về kế hoạch triển khai nhiệm vụ bay Mỹ, Vietnam Airlines dự kiến triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm thực hiện khi hoàn tất cả thủ tục pháp lý xin phép bay thường lệ với nhà chức trách Mỹ cho đến khi hết nhu cầu hồi hương của người Việt.

Vienam Airlines mở các chuyến bay dưới hình thức khai thác thương mại thường lệ, phục vụ nhu cầu hồi hương của người Việt Nam tại Mỹ, nhu cầu đi lại giữa hai nước của các nhà ngoại giao, công vụ, chuyên gia, doanh nhân, du học sinh, thân nhân người nước ngoài.

Đây cũng là giai đoạn khởi động, bay thử nghiệm, đánh giá thị trường và chuẩn bị các cơ sở cần thiết trước khi chính thức bước vào giai đoạn 2 - khai thác thương mại.

Trong giai đoạn đầu, ngoài phục vụ nhu cầu hồi hương trong tình hình dịch bệnh, sẽ phục vụ khách có nhu cầu quay lại Mỹ học tập, làm việc.

Máy bay Vietnam Airlines cất cánh từ Alaska về Việt Nam trong 01 chuyến bay hồi hương từ Hoa Kỳ.

Trong năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận thực hiện hơn 20 chuyến bay thuê chuyến (charter) giữa Việt Nam và Mỹ để vận chuyển công dân hồi hương, hàng hóa và chuyên gia. Hãng hàng không Quốc gia cũng đang khẩn trương đào tạo nhân sự, chuẩn bị tàu bay, mạng bán, hướng tới là hãng đầu tiên bay thẳng thường lệ Hoa Kỳ.

Mới đây nhất, vào tháng 4/2021, Vietnam Airlines đã được Cục hàng không phê duyệt cấp chứng chỉ khai thác Airbus A350 trên đường bay tới Mỹ (trước đó, mới chỉ có thể khai thác Boeing 787).

Trong khi đó, Bamboo Airways ngày 7/5 cũng phát đi thông cáo cho biết, hãng này đã được cấp slot bay thẳng thường lệ tới hai sân bay ở Mỹ là Los Angeles và San Francisco. 

Cũng theo Bamboo Airways, bên cạnh việc xin cấp phép, hãng gấp rút hoàn tất các bước cuối cùng trong quá trình xây dựng bộ máy nhân sự, bao gồm huấn luyện phi công và đội bay, đào tạo kỹ càng và toàn diện về các yêu cầu, quy định liên quan đến an toàn, an ninh, những điều kiện pháp lý, bộ luật liên bang, tiểu bang, tình hình thị trường… sẵn sàng mọi điều kiện khai thác bay thẳng Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên ông chủ của Bamboo Airways bày tỏ quyết tâm bay thẳng đến Mỹ với báo giới và dư luận. Vào cuối năm 2019, khi hãng tiếp nhận những tàu bay B787-9 Dreamliner đầu tiên thì lãnh đạo Bamboo Airways đã cho biết, hãng dự kiến sẽ bay thẳng đến Mỹ vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.

Bài toán kinh tế và khả năng đáp ứng

Tại sao các hãng hàng không Việt lại đau đáu giấc mơ bay thẳng đến Mỹ và việc bay thẳng đến Mỹ có dễ như nhiều đường bay khác? Không chỉ là rào cản khoảng cách địa lý, bay Mỹ còn có nhiều yếu tố buộc ngành hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam phải đáp ứng. Cũng cần phải biết rằng, ngành hàng không Việt Nam phải mất 10 năm nỗ lực mới được FAA cấp CAT 1.

Nhiều hãng hàng không của Mỹ cũng đã đủ điều kiện bay thẳng đến Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa có đường bay nào được thực hiện. Hãng hàng không United Airlines đã bay đến TP.HCM từ năm 2007 nhưng sau 5 năm đã chấm dứt đường bay. Delta Air Lines cũng đã bay tới TP.HCM và phải đóng đường bay rất nhanh sau đó. 

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, mở đường bay thẳng đến Mỹ trong 5 năm đầu tiên sẽ lỗ, nhưng cái được của hãng hàng không quốc gia là thương hiệu và năng lực cạnh tranh sẽ tăng lên.

Trên thực tế, để bay thẳng đến Mỹ thì dòng máy bay hiện có của các hãng hàng không Việt Nam như B787, A350 phải giảm tải (giảm khối lượng hàng hóa, bớt số lượng khách so với thiết kế) hoặc mua thêm các dòng máy bay hiện đại hơn, đủ khả năng bay 12 - 13 giờ liên tục.

Đây là một khó khăn, chưa kể các đường bay quá cảnh một điểm dừng đã có rất nhiều hãng hàng không lớn quốc tế cạnh tranh. Do vậy các hãng hàng không Việt Nam cần phải có sự tính toán rất kỹ.

Sau khi có slot ở các sân bay Mỹ và được Bộ GTVT Mỹ cấp phép, các hãng hàng không còn cần có giấy phép từ các cơ quan khác như Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ (TSA), Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA).

Không chỉ bài toán về kinh tế, mà việc đạt được các điều kiện pháp lý để các hãng hàng không như Vietnam Airlines hay Bamboo Airways bay thẳng đến Mỹ cũng không hề đơn giản.

Để bay được đến Hoa Kỳ, các hãng hàng không cần đáp ứng một loạt thủ tục về pháp lý, như được Bộ GTVT Mỹ (DOT) cấp phép bay thương mại Mỹ; được FAA cấp phép khai thác; được Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ cấp phép (TSA); ngoài ra còn một loạt các thủ tục với cơ quan quản lý thu nhập nội địa Mỹ, cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ… 

Một chuyên gia hàng không nhìn nhận: “Thực tế, hàng không Việt Nam đã có các chuyến bay không thường lệ (charter – thuê chuyến) bay thẳng tới Mỹ từ lâu. Cụ thể là riêng năm 2020 vừa qua, Vietnam Airlines đã có trên 20 chuyến bay charter tới Mỹ. 

Nhưng việc bay thẳng thường lệ tới Mỹ thì rất khác, các hãng hàng không vẫn còn nhiều bước thủ tục phải hoàn thiện. Việc xin cấp phép bay Mỹ từ Bộ GTVT Mỹ và có slot bay ở các sân bay Mỹ mới chỉ là bước đầu. Trong đó, việc được Bộ GTVT Mỹ (DOT) cấp phép đã hoàn thiện. Việc xin cấp slot bay ở các sân bay Mỹ như Los Angeles, San Francisco cũng khá dễ dàng.

Thử thách lớn tiếp theo đối với các hãng là được Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ (TSA) cấp phép, do thủ tục ở khâu này đặc biệt khắt khe. TSA phải sang khảo sát sân bay ở Việt Nam, đảm bảo phía Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh của họ, thì mới xem xét các bước tiếp theo. Trong khi đó, phép của TSA lại là cơ sở để Cục hàng không Mỹ (FFA) cấp phép.”

Khả năng các hãng hàng không Việt chính thức cất cánh bay thẳng thương mại tới Mỹ trong năm 2021 vẫn là một ẩn số.

 

Về năng lực kỹ thuật khai thác, cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways hiện đều sở hữu tàu bay thân rộng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để bay Hoa Kỳ, nhưng ngay cả với các dòng tàu bay hiện đại bậc nhất mà cả hai hãng sở hữu hiện nay thì bài toán đường về vẫn không đơn giản.

Được biết, chiều bay Los Angeles – TP.HCM mất gần 17 tiếng bay, như vậy, sẽ cần 1 điểm dừng ở Mỹ để tiếp nhiên liệu, đẩy chi phí khai thác lên cao. Ngoài ra, việc bay thẳng tới Mỹ trong giai đoạn hiện nay còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. 

Như vậy, việc hàng không Việt cất cánh bay thẳng thương mại tới Mỹ trong năm 2021 được hay không vẫn còn là một ẩn số rất lớn.

Nhã Phương

Tin mới