Từ ngày 1/7 đến nay, giá xăng đã có 3 lần giảm liên tiếp, giúp giá xăng E5 RON92 và RON95 rẻ hơn lần lượt 6.229 - 6.803 đồng/lít. Các loại dầu cũng rẻ hơn khá nhiều. Nhiều người đã kỳ vọng, giá các loại hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu sẽ nhanh chóng hạ nhiệt theo, vì trước đó giá cả thị trường đã thiết lập mặt bằng mới, "nóng" lên từng ngày dưới tác động của xăng dầu.
Tuy nhiên, đã 2 tuần sau khi giá xăng giảm mạnh (11/7), diễn biến thị trường lại khiến người tiêu dùng ngạc nhiên, vì không không những không giảm mà một số mặt hàng còn tăng mạnh.
Cụ thể, giá thịt heo tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội sau khi giá xăng giảm lần thứ hai (11/7) tăng thêm 10 giá và sau lần giảm thứ 3 (21/7) tăng thêm 20 giá.
Gần đây, thịt heo trải qua hai đợt tăng giá mạnh, thêm khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg chỉ trong 2 tuần.
Ví dụ, thịt ba chỉ tại chợ Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa) tăng từ 110.000 đồng lên 120.000 đồng/kg vào sau 11/7, sau đó lại tăng lên 140.000 đồng/kg sau 21/7. Các loại thịt khác cũng đang được bán ở mức giá 100.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại, tăng khoảng 20 - 30 giá.
Tiểu thương bán thịt heo tại chợ này cho biết, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, giá thịt heo có hai lần tăng mạnh, một lần tăng thêm 10 giá vào khoảng 11/7 và gần đây lại tiếp tục tăng thêm 20 giá. Thịt ba chỉ từ 110.000 đồng tăng lên 140.000 đồng/kg, bắp giò tăng từ 100.000 lên 130.000 đồng/kg.
Một tiểu thương bán thịt tại chợ Vĩnh Hồ (quận Đống Đa) lý giải: “Giá thịt heo bán lẻ tăng là vì gần đây giá heo hơi tăng mạnh. Đây là hệ quả của việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cùng với mất một thời gian dài tỷ lệ tái đàn trong dân giảm dẫn đến hiện nay sản lượng thịt giảm. Nguồn cung giảm đã đẩy giá tăng".
Tiểu thương này cũng cho rằng, mức giảm của giá xăng dầu chưa đủ thời gian để tác động đến giá thịt heo ngoài chợ, vì giá thịt heo chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn cung, giá heo hơi ở từng thời điểm.
Ngoài thịt heo, các loại thịt khác như thịt bò, gà, cá…vẫn giữ nguyên giá sau khi đã tăng thêm nhiều lần và cũng không hề có dấu hiệu giảm nhiệt theo xăng. Thịt bò dao động từ khoảng 240.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại. Thịt gà công nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg, gà ta nguyên lông khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg. Cá điêu hồng giữ giá 60.000 - 70.000 đồng/kg...
Một số loại rau xanh cũng đang tăng giá mạnh, trong đó phải kể đến rau cải xanh, từ 15.000 đồng tăng lên 25.000 đồng/kg. Bắp cải cũng nhích thêm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg tuỳ chợ, có nơi không tăng, giá dao động trong khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg.
Các loại rau xanh khác sau khi thiết lập mặt bằng giá mới vì lấy cớ giá xăng tăng thì tiếp tục “đổ bê tông” mức giá này, bất chấp việc xăng đã giảm giá sâu 2 lần liên tiếp. Cụ thể, dưa chuột, cà rốt, bí xanh, khoai tây, cải thảo…đứng im ở mức 25.000 đồng/kg, rau muống vẫn 15.000 đồng/mớ.
Giá rau xanh có loại tăng thêm, có loại giữ nguyên và không loại nào giảm.
Bà Hoa, chủ một sạp rau tại chợ Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội) nói: “Từ sau Tết Nguyên đán, xăng dầu tăng giá liên tục, rau xanh cũng tăng theo gấp 2 - 3 lần. Ấy thế mà bây giờ, sau khi xăng dầu đã giảm mạnh 2 lần liên tiếp, giá rau xanh vẫn chẳng thấy giảm chút nào, khiến ngay cả những người nhập hàng về bán như chúng tôi cũng thấy thật khó hiểu”.
Không chỉ các mặt hàng tươi sống mà ngay cả đồ khô, đồ uống cũng tăng giá theo xăng, song đến lúc xăng giảm thì vẫn “cố thủ” neo cao. Anh Hữu Dũng, chủ một tiệm tạp hoá tại phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong số các mặt hàng tăng giá theo xăng thì có mì tôm, bia lon, thuốc lá là tăng mạnh nhất.
Đến lúc xăng giảm mạnh, giá các mặt hàng này vẫn đứng im không nhúc nhích: “Lúc xăng khoảng 25.000 đồng/lít, giá một thùng mì Hảo Hảo là 97.000 đồng. Khi xăng lên hơn 30.000 đồng/lít thì giá thùng mì này là 103.000 đồng. Bây giờ, sau 3 lần giá xăng giảm thì thùng mì vẫn có giá 103.000 đồng”.
Anh Dũng đang kiểm lại hàng hoá vừa nhập.
Một thùng bia lon Hà Nội cũng đang giữ ở mức giá 270.000 đồng, tăng thêm khoảng 20.000 đồng.
Dầu ăn, nước mắm, thuốc lá… là những mặt hàng cũng tăng giá thêm từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng và chưa có dấu hiệu giảm giá. Một số nhà cung cấp từng lý giải những mặt hàng này đắt lên vì phải trải qua nhiều công đoạn sản xuất, vận chuyển, chịu tác động trực tiếp của việc xăng dầu lên giá. Thế nhưng, sau khi xăng giảm giá mạnh, giá thành của chúng vẫn không hề thay đổi sau khi đã thiết lập mặt bằng giá mới.
Trong các siêu thị, giá thịt cá, rau củ, quả và các mặt hàng thiết yếu khác hầu như không thay đổi và cao hơn rất nhiều so với ở các chợ truyền thống.