Theo chính sách của OPEC+, một số thành viên được khuyến khích sẽ loại bỏ dần dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 10 năm nay đến tháng 9 năm sau. Nhóm cũng đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày trước đó cho đến cuối năm 2025.
Hạn chế đà giảm trong phiên là lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng trong tuần trước. Ngày 1/8, Ngân hàng Anh đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản từ mức 5,25% - mức cao nhất trong 16 năm – xuống 5%. Đây là đợt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng này kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020.
Trước đó, ngày 31/7, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết lãi suất của Mỹ có thể được cắt giảm sớm nhất là vào tháng 9.
Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial, nhận xét ngày càng có nhiều người nhận ra chưa có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung thực sự nào. Thị trường đang chuyển hướng tập trung từ các vấn đề địa chính trị sang xem xét nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Cả hai loại dầu phổ biến nhất thế giới sáng nay đều giảm nhẹ. (Ảnh: Goldman Sachs)
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ sự gián đoạn nào, đặc biệt là các tuyến đường vận chuyển dầu. Lực lượng Houthi liên kết với Iran đã tấn công các tàu đi qua Biển Đỏ, buộc các tàu chở dầu phải chọn các tuyến đường thay thế dài hơn.
Giá xăng dầu trong nước
Trong kỳ điều hành ngày 1/8, giá xăng E5 RON92 giảm 284 đồng/lít, không cao hơn 21.616 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 281 đồng/lít, không cao hơn 22.603 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng đồng loạt đi xuống. Dầu diesel giảm 316 đồng/lít, không cao hơn 19.878 đồng/lít. Giá dầu hỏa không cao hơn 20.095 đồng/lít sau khi giảm 231 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 292 đồng/kg, không cao hơn 16.886 đồng/kg.
Đây là lần giảm thứ tư liên tiếp của giá xăng trong nước, đưa giá xăng RON95 sắp rời mốc 22.000 đồng/lít.
Trong kỳ này, cơ quan điều hành tiếp tục không trích lập và không chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất các mặt hàng.