Cuối tháng 9, rất nhiều khách hàng phản ánh tình trạng hủy chuyến, giảm chuyến của các hãng không và giá vé máy bay tăng đột biến. Đặc biệt là các chuyến Hà Nội - Tp.HCM và chiều ngược lại, giá vé có khi tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước đó.
Đại lý kêu khó
Tình trạng này đã kéo dài từ cuối tháng 9 và cho tới thời điểm hiện tại vẫn ghi nhận giá vé cao ngất ngưởng của các hãng hàng không.
Theo khảo sát của PV báo điện tử VTC News, giá vé máy bay trong ngày 4/10 chặng Hà Nội - TP.HCM của ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đắt ngang nhau, giá vé trung bình hạng phổ thông dao động từ 3 - 4 triệu đồng/vé/chặng (đã bao gồm thuế, phí).
Nếu so sánh với giá vé vào thời điểm này tháng trước, giá vé đã tăng gấp rưỡi. Thâm chí, khi đặt giá vé trước một tuần, số lượng vé còn lại là rất ít và khách hàng phải chi trả số tiền khoảng 3,5 triệu đồng/vé.
Một đại lý vé máy bay tại Hà Nội cho biết, giá vé tăng cao như hiện nay đã khiến rất nhiều hành khách hủy chuyến.
Đại lý này nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ việc Jetstar hủy chuyến, giảm xuống chỉ còn 1 - 2 chuyến/ngày chặng Hà Nội - TP.HCM.
“Jetstar và Vietnam Airlines có thể hỗ trợ khách hàng chuyển sang khi một trong 2 hãng hàng không đơn phương hủy chuyến. Trong trường hợp Jetstar hủy chuyến quá nhiều như hiện tại, các đại lý hỗ trợ khách sang Vietnam Airlines.
Khi khách hàng từ Jetstar chuyển sang Vietnam Airlines sẽ khiến lượng chỗ trống trên máy bay giảm xuống từ đó đẩy giá vé lên cao”, đại lý này nói.
Đại lý này cho biết thêm, hiện giá của Vietnam Airlines đã tăng gấp đôi so với ngày bình thường: “Những ngày trước, giá vé của Vietnam Airliens khoang phổ thông chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/vé, đắt hơn thì cũng chỉ khoảng 1,7 - 1,9 triệu đồng/vé. Nhưng bây giờ, giá vé đã tăng lên 3 triệu đồng/vé, thậm chí đã ghi nhận mức giá kỷ lục là 5 triệu đồng.
Video: Nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp hút hồn dân mạng
Tuy nhiên, việc hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific tăng giá không ảnh hưởng quá nhiều tới giá vé của một hãng hàng không khác là Vietjet Air. Tuy nhiên, giá vé của hãng hàng không giá rẻ này cũng đang tăng bất thường.
Một đại lý khác tại Hà Nội nhận định, giá vé của Vietjet Air tăng gấp rưỡi như hiện nay là cũng tranh thủ ăn theo. Chính vì lượng giá vé tăng quá cao như hiện nay, các đại lý đang phải đối mắt với tình trạng hủy vé hàng loạt của khách hàng.
“Nhiều khách hàng sau khi nghe tôống báo về giá vé đều nói là quá đắt. Chính vì vậy, rất nhiều người phải hủy chuyến và tìm một phương tiện di chuyển khác có giá rẻ hơn. Trong trường hợp những khách hàng cần gấp thì đành phải chấp nhận mua với giá vé cao”, đại lý này nói.
Việc giá vé tăng cao như hiện nay đã khiến rất nhiều hành khách hủy vé. (Ảnh: minh họa)
Tình trạng hủy chuyến hàng loạt của Jetstar còn nảy sinh một vấn đề khác đó là delay chuyến bay. Bước vào giai đoạn thấp điểm này, tình trạng delay của Jetstar diễn ra còn khốc liệt hơn.
Một đại lý bán vé máy bay khác tại Hà Nội cho biết đã ghi nhận tình trạng delay tới tận 3 ngày của Jetstar. “Khách hàng của bên mình cho biết, theo lịch trình sẽ bay từ mùng 3/10 nhưng bây giờ phải chuyển sang tận mùng 7/10”, đại lý này nói.
Vietjet Air khẳng định không vượt giá trần
Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, đại diện Vietjet Air cho biết, giá vé tăng cao như hiện tại là bình thường, không vượt giá trần đã được Bộ Giao thông - Vận tải quy định.
Vietjet Air khẳng định không vượt giá trần.
Vị này cho biết thêm, vào tháng 9, tháng 10 hàng năm luôn là thời gian thấp điểm, lượng khách di chuyển ít nên giá vé rất rẻ. Thậm chí, giá giá vé năm ngoái kịch sàn nhưng vẫn ế, không có ai mua.
Tuy nhiên, các hãng hàng không cũng khá bất ngờ khi mùa thấp điểm năm nay, lượng khách lại tăng đột biến và đẩy giá vé lên cao.
“Cao điểm thì tăng chuyến, thấp điểm thì giảm chuyến. Bình thường mọi năm tháng 9, tháng 10 khách hàng đi lại ít, nên giảm tầng suất bay. Kế hoạch này đã ra được một năm rồi, không phải bây giờ mới áp dụng”, đại diện Vietjet nói.
“Tháng 9, tháng 10 là cho tàu bay đi sửa chữa, hoặc là bảo dưỡng, nếu may bay đi thuê thì trả, chuẩn bị cho mùa cao điểm Tết bắt đầu vào cuối tháng 11. Vietjet Air kinh doanh hàng không theo mô hình giá rẻ, bán từ thấp đến cao, ai mua trước thì có giá rẻ hơn”, vị này nói thêm.
Về việc có hay không Vietjet Air tranh thủ tăng giá vé ăn theo Vietnam Airlines và Jetstar, đại diện truyền thông của đơn vị này đã phủ nhận và cho biết đây là cơ chế thị trường.
“Nếu so sánh giá vé giữa thời gian cao điểm - thấp điểm của Việt Nam so với nước ngoài thì rõ ràng giá vé trong nước còn rẻ hơn rất nhiều”, vị này nhận định.
Chiều tối qua, Cục Hàng không Việt Nam phát đi thông báo cho biết, giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2017, theo lịch khai thác của các hãng hàng không, trung bình có 47 chuyến/chiều/ngày, bằng 85,5% so cùng kỳ năm 2016, trong đó Vietnam Airlines 25 chuyến/chiều/ngày (tăng 8,7%), Vietjet Air 16 chuyến/chiều/ngày (giảm 15,7%), Jetstar Pacific 06 chuyến/chiều/ngày (giảm 53,8%).
Trong các ngày gần đây, số lượng hành khách không có chỗ trên đường bay TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội tăng cao, hệ số sử dụng ghế của các hãng hàng không trên đường bay này đều đạt xấp xỉ 100%, lượng hành khách đặt chỗ trên hệ thống cho các ngày tiếp theo cũng đang ở mức cao.
Nguyên nhân dẫn giá vé tăng "sốc" là do Jetstar Pacific phải hủy một loạt chuyến bay. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do Jetstar Pacific phải hủy một loạt chuyến bay, chủ yếu trên đường bay TP. HCM - Hà Nội do thiếu hụt nguồn lực, đặc biệt là phi công.
Vietjet Air cũng giảm tần suất khai thác từ trung bình 25 chuyến/chiều/ngày xuống 16 chuyến/chiều/ngày, do đưa tàu bay đi bảo dưỡng theo kế hoạch và tăng chuyến bay thuê chuyến quốc tế.
Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.