Giá vàng trên thị trường thế giới trong vài phiên gần đây liên tục tăng mạnh và vượt lên trên ngưỡng 1.900 USD/ounce lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021. Tuy còn cách xa ngưỡng đỉnh của năm 2020 (hơn 2.000 USD/ounce), nhưng giá vàng có nhiều hy vọng sẽ chinh phục ngưỡng này trong thời gian tới.
Theo chiến lược gia Bart Melek của TD Securities, xu hướng tăng giá gần đây của vàng đến từ sự kết hợp giữa một số dữ liệu kinh tế yếu hơn dự báo và các chỉ số cho thấy lạm phát tăng.
Giá vàng sẽ chinh phục ngưỡng mới trong thời gian tới.
Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 28/5 cho thấy chỉ số tiêu dùng cá nhân lõi (PCE), một chỉ báo lạm phát quan trọng, tăng 3,1% trong tháng 4. Mức tăng này lớn hơn dự báo tăng 2,9% mà giới phân tích đưa ra trước đó, và vượt xa mục tiêu lạm 2% mà Fed đề ra.
Ngoài lạm phát, các chỉ số vĩ mô của kinh tế Mỹ cũng không mấy tích cực. Điển hình là số liệu bán lẻ của tháng 4. Số liệu việc làm tháng 4 cũng không đạt dự báo.
Vì vậy, khả năng Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách chính sách tiền tệ khó xảy ra.
Việc Fed duy trì lãi suất thấp và tiếp tục bơm 120 tỷ USD mỗi tháng để mua tài sản đang là những yếu tố nền tảng quan trọng cho sự tăng giá của vàng.
Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda cho rằng: “Fed đang bật đèn xanh cho giá vàng tiếp tục tăng. 1.950 USD/ounce là ngưỡng tiếp theo để quan sát”.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ dịch COVID-19 tại khu vực châu Á và tốc độ tiêm vaccine chậm cũng khiến nhiều người tin rằng nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn và các ngân hàng trung ương sẽ không thể làm ngơ trước khả năng tụt giảm tăng trưởng kinh tế.
Dự báo, lãi suất sẽ được nhiều ngân hàng trung ương các nước giữ ở mức thấp đồng thời tăng cường vay mượn, bơm tiền vào nền kinh tế. Điều này sẽ là động lực giúp vàng tiếp tục tăng giá.
Giá vàng trong nước, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nếu giá vàng thế giới chinh phục ngưỡng giá 2.000 USD/ounce thì giá vàng trong nước hoàn toàn có thể đạt đỉnh 60 triệu đồng/lượng.
Theo ông Hiếu, giá vàng thế giới thời gian tới có thể sẽ tăng mạnh trong bối cảnh USD giảm, lợi tức trái phiếu xuống thấp và nước Mỹ vẫn tính duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Nhiều nhà đầu tư đang tìm đến vàng như nơi trú ẩn an toàn khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, Chính phủ nhiều nước có các gói hỗ trợ kinh tế, nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách hạ lãi suất, bơm tiền ra nhiều hơn. Điều này sẽ làm giảm giá trị của USD và khi USD giảm sẽ làm tăng giá vàng.
Ngoài ra, tình hình chính sự trên thế giới, xung đột giữa Israel - Palestine cũng tạo ra những tác động mạnh trên thị trường vàng.
"Nói chung thị trường vàng đang chịu tác động bởi các diễn biến tiêu cực trên thế giới, song lại là yếu tố tích cực khiến nó trở nên thu hút nhà đầu tư hơn. Bởi lẽ khi lạm phát, bất ổn tăng cao, vàng sẽ là kênh trú ẩn an toàn nhất”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, với tình hình hiện tại, giá vàng thế giới rất có thể tiếp tục tăng và vì vậy, giá trong nước cũng dễ tăng theo.