Giá tiêu trong nước hôm nay ghi nhận giảm 500 đồng/kg sau một tuần tăng mạnh rồi đi ngang, giá giao dịch cao nhất cả nước ở mức 61.500 đồng/kg.
Giá tiêu trong nước hôm nay giảm 500 đồng/kg. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương có giá tiêu cao nhất cả nước ghi nhận mức giao dịch 61.500 đồng/kg, giảm 500 đồng so với 1 ngày trước đó.
Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước được thương lái thu mua ở mức 60.500 đồng/kg, giảm 500 đồng so với phiên giao dịch trước đó.
Tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá tiêu hôm nay cũng cùng đà giảm 500 đồng, đưa giá tiêu về mức 59.500 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ghi nhận ở mức 58.500 đồng/kg, giảm 500 đồng so với 1 ngày trước đó.
Địa phương có mức giá thu mua tiêu thấp nhất ghi nhận tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 58.000 đồng/kg, giảm 500 đồng so với phiên giao dịch liền trước.
Địa phương | Giá (đồng) | Thay đổi so với 1 ngày trước (đồng) |
Bà Rịa - Vùng Tàu | 61.500 | - 500 |
Bình Phước | 60.500 | - 500 |
Đắk Lắk | 59.500 | - 500 |
Đắk Nông | 59.500 | - 500 |
Đồng Nai | 58.500 | - 500 |
Gia Lai | 58.000 | - 500 |
Sau quãng thời gian liên tiếp đi ngang, giá tiêu trong nước quay đầu giảm nhẹ. Tổng kết tuần vừa qua, giá tiêu trong nước vẫn đang tăng 1.500 đ/kg so với cuối tuần trước đó.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến giá hồ tiêu nội địa tăng mạnh ở đầu tuần là do giới đầu cơ "làm giá" để xả hàng đợt cuối năm.
Do đó, nhìn chung giá hồ tiêu vẫn chịu áp lực tiêu cực trong thời gian tới. Và việc giảm nhẹ ở ngay phiên cuối tuần này là một minh chứng.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tháng 10/2022 Việt Nam xuất khẩu được 17.861 tấn, tiêu đen đạt 16.248 tấn, tiêu trắng đạt 1.613 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 67,5 triệu USD, tiêu đen đạt 58,6 triệu USD, tiêu trắng đạt 8,9 triệu USD. So với tháng 9, lượng xuất khẩu tăng 26,8%, kim ngạch tăng 17,2%. Đáng chú ý, lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh 84,5% đạt 3.921 tấn, so với tháng 9/2022 và đây cũng là lượng nhập khẩu lớn nhất tính từ tháng 5/2021 của Trung Quốc (5.048 tấn).
Cũng trong tuần, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đưa ra thông điệp nhận định, thế giới sẽ đối mặt cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023. Giữa bối cảnh đó, thách thức đặt ra cho tất cả các ngành hàng, trong đó có hồ tiêu. Những yếu tố tiêu cực làm giảm giá hồ tiêu gồm: Lãi suất tiếp tục tăng để kiềm chế lạm phát; chiến tranh ở Ukraine đẩy giá các mặt hàng thiết yếu; cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu và khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã khiến hầu hết các đồng tiền tiêu dùng trong nước giảm giá dẫn đến chi phí nhập khẩu cao hơn.
Trên thị trường thế giới, hiện tại, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) neo ở mức 3.689USD/tấn. Giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA vẫn giữ ở mức 5.100 USD/tấn. Và giá hạt tiêu đen Brazil ASTA 570 neo ở mức 2.575 USD/tấn.
Đối với mặt hàng hạt tiêu trắng, thị trường hồ tiêu thế giới cũng đang duy trì ổn định.
Theo đó, giá hạt tiêu trắng Muntok của Indonesia giữ ở mức 5.971 USD/tấn. Còn giá hồ tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn giữ có mức 7.300 USD/tấn.
Tổng kết tuần vừa qua, giá tiêu thế giới tăng mạnh. Trong đó, giá tiêu Ấn Độ tăng mạnh 2%, còn giá tiêu Indonesia tăng 1,33%. Tất cả đều nhờ vào đà giảm liên tiếp của đồng USD, và tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc tăng.
Đầu phiên giao dịch ngày 12/11 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tiếp tục giảm mạnh 1,49%, xuống mốc 106,72.
Đồng USD giảm 2 ngày liên tiếp vừa qua là do dữ liệu công bố hôm 10/11 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ đã tăng 7,7% so với cùng kỳ trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 1 và thấp hơn mức dự báo 8%. Việc lạm phát ở Mỹ tháng 10 giảm mạnh hơn dự báo có thể sẽ là cơ sở để Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. USD yếu đi, giúp các đồng nội tệ mạnh lên, qua đó hỗ trợ giá tiêu.
Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đánh giá, nguồn cung toàn cầu dự kiến ở mức an toàn khi ghi nhận thu hoạch của Brazil và dư lượng dự trữ còn cao.
Họ đưa ra lời khuyên là hãy bán và mua theo từng đợt thay vì đầu cơ quá mức. Đồng thời tăng cường quảng bá ở những thị trường tiềm năng khác, nhằm bù đắp lượng hàng tồn kho dư thừa do Trung Quốc gây ra.