Giá dầu Brent trong phiên giao dịch chiều nay có lúc xuống 84,83 USD một thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1. Dầu thô Mỹ WTI cũng về sát 77 USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1.
Phiên cuối tuần trước, giá cả 2 loại dầu này đều giảm khoảng 5%. Trong đó giá WTI đã giảm xuống 77,21 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 6/1.
(Ảnh minh họa: istock)
Hiện WTI hiện có chuỗi giảm giá tuần dài nhất năm nay. Cả Brent và WTI đều đang hướng đến quý giảm. Thanh khoản thấp khiến biến động giá càng lớn.
Phiên này, chỉ số USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm. Sự mạnh lên của đồng bạc xanh làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng định giá bằng USD như dầu mỏ.
Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã đồng loạt nâng lãi suất để chống lạm phát, khiến nhu cầu dầu giảm. Hàng loạt ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Na Uy tăng lãi suất từ 50 - 100 điểm %, trong nỗ lực khống chế lạm phát đã khiến lực bán gia tăng mạnh trên các thị trường rủi ro.
Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và việc Trung Quốc phong tỏa chống COVID-19 khiến nguồn cung và nhu cầu dầu toàn cầu đi xuống.
Sugandha Sachdeva, chuyên gia tại công ty dịch vụ tài chính Religare Broking, có trụ sở tại Ấn Độ, nhận định bối cảnh các ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát và đà tăng kỷ lục của đồng bạc xanh đã làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm kinh tế, ảnh hưởng đến giá dầu thô.
"Giá dầu WTI có thể giảm về mức 75 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm xuống 80 USD/thùng", Sachdeva dự báo.
Dù vậy, giá dầu vẫn nhận được hỗ trợ trước sự gián đoạn của thị trường dầu mỏ do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với dầu Nga, dự kiến có hiệu lực vào tháng 12.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) vào ngày 5/10 tới, sau khi liên minh này nhất trí cắt giảm sản lượng một cách khiêm tốn trong cuộc họp gần nhất