Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 23/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent (tiêu chuẩn toàn cầu) đã giảm một mạch về 87,5 USD/thùng, rồi phục hồi nhẹ lên gần 88 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 2,84% so với ngày trước đó.
Đây là mức thấp kỷ lục của dầu Brent trong vòng 8 tháng qua.
Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ sụt giảm 3,3% xuống còn hơn 80 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 1. Chuyên gia quốc tế nhận định thị trường dầu đang chịu sức ép lớn khi lãi suất tăng cao trên toàn cầu và đồng USD mạnh lên.
Giá dầu Brent rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1, xóa sạch mức tăng sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Trading Economics.
"Mối đe dọa về một cuộc suy thoái toàn cầu tiếp tục đè nặng lên giá dầu. Việc các ngân hàng trung ương ồ ạt nâng lãi suất trong vài ngày qua cũng làm dấy lên lo ngại đối với tăng trưởng", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - nhận định với Zing.
Trong cuộc họp chính sách ngày 21/9 (theo giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3-3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.
Sau khi Fed tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng nâng lãi suất theo, làm gia tăng nguy cơ suy yếu cho nền kinh tế.
Cụ thể, hôm 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất 0,5 phần trăm, đánh dấu lần nâng lãi suất thứ 7 liên tiếp, và cho rằng nền kinh tế Anh "có thể đã suy thoái".
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất sau động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ảnh: Reuters.
Cùng ngày, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã tăng lãi suất chuẩn lên 0,5%, chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm tại châu Âu.
Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng mạnh tay nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm để hạ nhiệt lạm phát. Giới phân tích lo ngại rằng những quốc gia có gánh nặng nợ lớn như Italy và Hy Lạp sẽ chịu thiệt hại vì lãi suất tăng cao.
Một cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, sự suy yếu trong hoạt động kinh doanh trên toàn khu vực đồng tiền chung euro đã nghiêm trọng hơn trong tháng 9. Điều này cho thấy một cuộc suy thoái đang rình rập khu vực khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu để đối phó với cú sốc chi phí sinh hoạt.
"Các ngân hàng trung ương đã chấp nhận rằng một cuộc suy thoái là cái giá phải trả để kìm hãm lạm phát. Và điều này có thể ảnh hưởng tới giá dầu", ông Erlam nhận định.
Lấn át rủi ro nguồn cungCác thị trường hàng hóa như dầu cũng chịu sức ép lớn khi chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với những tiền tệ chủ chốt khác - thiết lập mức cao mới trong vòng 20 năm.
Tính đến 19h30, chỉ số USD chạm mức 112,1 điểm, tăng 0,69% so với ngày trước đó.
Đồng USD mạnh lên, lãi suất tăng cao và nguy cơ suy thoái đã tác động tới chứng khoán toàn cầu. Chứng khoán châu Âu đã lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/9. Đầu phiên giao dịch chiều, chỉ số Stoxx 600 sụt giảm 2,8%, hầu như mọi ngành đều chìm trong sắc đỏ.
Chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm vào đầu phiên giao dịch ngày 23/9, sau khi ghi nhận 3 ngày giảm điểm liên tiếp trước đó. Thị trường châu Á ngập trong sắc đỏ với chỉ số chứng khoán của Australia lao dốc 2%.
"Những lo ngại về suy thoái, việc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất và sức mạnh của đồng USD tăng lên đã lấn át những căng thẳng địa chính trị", nhà phân tích dầu mỏ Tamas Varga của PVM Oil Associates bình luận.
"Trên thực tế, thị trường dầu vẫn ở trong tình trạng thắt chặt. OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) sẵn sàng hạn chế nguồn cung hơn nữa", chuyên gia Erlam nhận định.
"Thỏa thuận hạt nhân giữ Mỹ và Iran có khả năng đổ vỡ. Lệnh tổng động viên của Nga cũng có thể gây rủi ro cho nguồn cung dầu toàn cầu", vị chuyên gia nói thêm.