Thị trường xăng dầu bán lẻ gần đây diễn biến nóng, ghi nhận nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp xăng dầu chỉ ra là cơ chế tính chi phí xăng dầu hiện nay đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế. Bộ Công Thương cho biết đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh song đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Không tăng phí để hạn chế tác động tăng giá
Trả lời VTC News ngày 21/9, nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao…Nhằm góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước, ngày 8/7, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương thông báo điều chỉnh một số khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu.
Theo đó, kết quả tổng hợp báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho thấy, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, khoản premium trong nước (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng tăng so với định mức hiện hành trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
Tuy nhiên, để hạn chế tác động tăng giá, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, trước mắt không điều chỉnh tăng khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng biển trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
Cơ chế tính chi phí xăng dầu hiện nay bị cho là đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế, góp phần khiến thị trường xăng dầu bị “lệch pha” thời gian qua.
Trong khi quyết định tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (áp dụng cho nguồn nhập khẩu). Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5 RON92 là 350 đồng/lít, xăng RON95 là 720 đồng/lít, dầu diesel là 570 đồng/lít, dầu hỏa là 1.080 đồng/lít và dầu mazut là 1.290 đồng/kg.
Như vậy, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam tăng 60 đồng với xăng E5 RON92, tăng 350 đồng với xăng RON95, tăng 340 đồng với dầu diesel, tăng 650 đồng với dầu hỏa và tăng 390 đồng với dầu mazut.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã liên tục trình các giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu (MFN) đối với xăng, thuế tiêu thụ đặc biệt…để “hạ nhiệt” thị trường xăng dầu.
“Trong lúc khó khăn chung do giá xăng dầu tăng cao, nên có sự chia sẻ từ nhiều phía, trong đó Bộ Tài chính chia sẻ thuế, phí; Bộ Công Thương và các doanh nghiệp chia sẻ bằng nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp và lợi nhuận”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Chi phí định mức kinh doanh xăng dầu là nguyên nhân gây bất ổn
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bị “lệch pha” thời gian qua là do cách tính chi phí không còn phù hợp với tình hình thực tế. Một số chi phí, phụ phí nhập khẩu xăng dầu hiện đã tăng 2 - 3 lần so với trước nhưng cách tính chi phí xăng dầu không thay đổi.
Điều này khiến doanh nghiệp đầu mối bị giảm lợi nhuận, thậm chí gánh lỗ nên buộc họ phải giảm chiết khấu cho các đại lý, tổng đại lý, hoặc bán nhỏ giọt cho các cây xăng bán lẻ. Đến lượt mình, đại lý, cửa hàng bán lẻ không có hàng để bản, hoặc cũng phải bán cầm chừng để giảm lỗ.
“Chuỗi cung ứng xăng dầu bị ảnh hưởng dẫn đến thị trường bất ổn thời gian vừa qua”, ông Phú nhận xét.
Theo chuyên gia này, nghiên cứu điều chỉnh cách tính chi phí xăng dầu là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Do đó, Bộ Tài chính cần phải tính toán lại chính sách về chi phí định mức kinh doanh xăng dầu sao cho phù hợp với sự thay đổi tình hình xăng dầu thế giới, vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, bởi ngành nghề nào cũng vậy, kinh doanh là phải có lợi nhuận.
“Bộ Tài chính cần nghiên cứu lại cách tính chi phí sao cho hợp lý, phù hợp quy định, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu những tồn tại này được gỡ bỏ, sẽ giải quyết từ gốc nguy cơ cây xăng đóng cửa, khan hiếm xăng dầu”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng cho biết VINPA nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính tính toán lại khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy trong nước về đến cảng để tính giá xăng dầu.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine, giá xăng dầu thế giới đã tăng lên mức rất cao. Trong công thức tính giá, cơ quan nhà nước đã quy định rất rõ việc tính toán theo giá thế giới trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, những chi phí nằm trong công thức giá vẫn áp dụng và sử dụng những chi phí được xác lập từ năm 2014 mà chưa được rà soát lại, chưa được hiệu chỉnh lại.
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, những yếu tố như lạm phát, chi phí gia tăng trong vận tải, chi phí về tỷ giá, lãi suất đã có những thay đổi nhưng lại chưa được tính toán và rà soát một cách kịp thời trong chi phí kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt là có những phụ phí vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến việc tính thiếu cho các doanh nghiệp. Trong khi để vận hành thị trường xăng dầu một cách trơn tru, phù hợp, ngoài yếu tố thực hiện theo pháp luật, thì cần làm sao để doanh nghiệp đủ chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp xăng dầu cũng phải tính toán đến lợi nhuận, nếu lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời thị trường, ảnh hưởng đến hệ thống cung ứng và gây bất ổn thị trường.
"Đối với mặt hàng xăng, chúng ta đang tính phụ phí trên cơ sở giá dầu/giá xăng chỉ ở mức 85USD/thùng, nhưng trong quý I/2022 và hiện tại, giá xăng dầu đã lên đến hơn 110 - 120 USD/thùng. Do đó, có thể nói là những phụ phí trong công thức giá không theo kịp dẫn đến việc các doanh nghiệp đầu mối thiếu phần chi phí và đương nhiên sẽ tác động đối với hệ thống của đầu mối là đại lý hoặc là thương nhân phân phối, dẫn đến chiết khấu giảm mạnh", ông Bảo nói và kiến nghị cần sớm rà soát lại chi phí kinh doanh định mức.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng vấn đề của thị trường xăng dầu hiện nay nằm ở cách quản lý, điều hành, trong đó có cơ chế tính giá chưa hợp lý. Ví dụ về chi phí vận chuyển, trước đây phí vận chuyển từ Singapore về Việt Nam khoảng 1 USD/thùng, nay lên gấp 2 – 3 lần song vẫn giữ định mức 1 USD/thùng là không ổn. Hay về tiêu chuẩn khí thải, Việt Nam điều hành giá với xăng dầu theo tiêu chuẩn khí thải Euro 3, trong khi thế giới áp dụng tiêu chuẩn Euro 5 (chênh lệch khoảng 7 – 8 USD/thùng).
Như vậy doanh nghiệp nhập khẩu chịu chênh cao quá, nếu cơ quan điều hành không định giá lại thì không hợp lý.
Liên quan nội dung này, Bộ Công Thương cho hay nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh. Cụ thể, tháng 2/2022, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014. Bên cạnh đó, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
Tháng 7, Bộ Công Thương tiếp tục nêu quan điểm với Bộ Tài chính về công thức giá cơ sở, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính căn cứ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tổng hợp, rà soát, đánh giá từ báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, báo cáo tổng hợp premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để thực hiện điều chỉnh, thông báo một số khoản chi phí định mức trong giá cở sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh và quy định hiện hành.
Đến tháng 8, khi thị trường xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, một số doanh nghiệp đề xuất với Sở Công Thương về việc tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm lợi nhuận kinh doanh. Bộ Công Thương lại có ý kiến với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, báo cáo tổng hợp về premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, qua rà soát của Bộ Tài chính thực tế đã tăng. Nhưng, Bộ Tài chính mới chỉ điều chỉnh đối với mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc đầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.
“Để mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu được duy trì phù hợp, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Từ 15h ngày 21/9, giá xăng RON95 giảm 631 đồng/lít, xăng E5 RON92 giảm 450 đồng/lít , dầu diesel giảm 1.644 đồng/lít. Hiện giá bán ra với xăng RON95 là 22.584 đồng/lít, xăng E5 RON92 là 21.781 đồng/lít - mức thấp nhất trong 9 tháng đầu năm.
Tương tự, giá dầu diesel cũng giảm mạnh 1.644 đồng/lít, xuống 22.536 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 1.977 đồng/lít, xuống 22.441 đồng/lít, giá dầu mazut giảm 383 đồng/kg, không cao hơn 14.656 đồng/kg.