Hình ảnh cầm giấy khen nhảy chân sáo về nhà khiến nữ sinh Nguyễn Thị Lan, cựu học sinh Trường THCS Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội) bỗng trở nên nổi tiếng. Cô bé đang miệt mài ôn thi, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sẽ diễn ra sau 8 ngày nữa.
Tập kinh doanh từ năm lớp 7
Trong buổi trưa tháng 7 oi ả, Lan từ lớp ôn thi ở trường trở về căn nhà cấp 4 lợp ngói nằm sâu trong thôn Long Châu Sơn (xã Phụng Châu). Cô bé khoe thành tích 9 năm liền nhận giấy khen với danh hiệu học sinh giỏi. Trong năm cuối cấp, em được anh trai - Nguyễn Khắc Phú - hứa tặng thưởng chiếc laptop mới nếu tiếp tục nhận danh hiệu này, đó là lý do cô nữ sinh mừng rỡ nhảy chân sáo như hình ảnh được ghi lại trong gây "bão" mạng xã hội mấy ngày qua.
Trong căn buồng nhỏ được thắp sáng bằng một bóng điện huỳnh quang, Lan tranh thủ mở sách Toán ra xem lại kiến thức buổi sáng trên lớp. Nữ sinh cho biết, thời gian này em tập trung vào luyện các dạng đề để nhớ kiến thức lâu hơn, tham khảo thêm đề của các trường, theo dõi một số bài dạy trực tuyến.
Sau giờ học trên lớp, nữ sinh luôn tranh thủ ôn lại bài khi ở nhà.
Trong các môn học, Lan thích và học trội nhất môn Toán. Bốn năm học cấp II, em luôn nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi huyện. “Từ bậc tiểu học, anh trai đã mua thêm sách ôn tập môn Toán nên em dần dần bị cuốn theo môn học này. Em cũng thích môn Lịch sử và Địa lý vì giúp em có thêm nhiều kiến thức xã hội”, Lan chia sẻ.
Chăm học nhưng không hề muốn làm “mọt sách”, từ năm lớp 7, Lan đã tự mày mò, tập tành kinh doanh. “Em lên shopee đặt mua thước, bút, đồ dùng học tập… mới lạ, đẹp mắt về bán lại cho các bạn trong lớp. Vào dịp nghỉ hè, em bán cho các bạn tham gia sinh hoạt hè. Mỗi lần bán hàng chỉ lãi được vài chục nghìn đồng, em đều đưa mẹ giữ hộ để mua sách vở cho năm học mới”, nữ sinh kể.
Về clip gây sốt mạng, Lan cho biết sự việc này khiến cuộc sống của em có chút thay đổi. Mỗi lần vào Facebook, em đều thấy hàng trăm lời mời kết bạn và các thông báo tương tác liên quan đến clip nhảy chân sáo cầm giấy khen.
Loạt giấy khen dành cho thành tích học tập và tham gia phong trào của Lan.
Bảng điểm năm học 2019-2020 của nữ sinh Nguyễn Thị Lan.
“Em thấy rất vui khi được mọi người đón nhận nhưng hơi sợ khi quá nhiều thông báo đến. Em không để điều đó ảnh hưởng đến việc ôn thi nên tắt Facebook ngay sau đó và tập trung làm bài tập. Ở trên trường các bạn cũng đùa em là hot facebooker. Tuy nhiên, em chỉ coi đây là một kỷ niệm, một gam màu khác của tuổi học trò. Còn mục tiêu chính của em là đỗ vào lớp 10 trong kỳ thi sắp tới", cô bé tâm sự.
Về việc này, anh Nguyễn Khắc Phú cũng chia sẻ: “Tôi vẫn kèm cặp em thường xuyên, không để em sa đà vào mạng xã hội. Em còn nhỏ nên chưa hiểu về an ninh mạng và những thứ phức tạp trên mạng xã hội hiện nay”.
Bị gọi “Lan bò” vì hay hỏi ngây ngô
Đúng như hình dung của mọi người khi xem clip nhảy chân sáo của Lan, nữ sinh này được thầy cô, bạn bè nhận xét là dễ gần, tốt bụng và lễ phép với người lớn.
Em Hoàng Thị Hồng Ngọc, bạn cùng lớp của Lan, kể: “Lúc đầu em không thích chơi với Lan vì hai người bạn thân của em đột nhiên quay sang chơi thân với bạn ấy. Nhưng tiếp xúc nhiều, em thấy Lan rất thông minh, dễ thương, thân thiện, tốt bụng và rất biết lắng nghe tâm sự của người khác nên chơi thân từ lúc nào không hay”.
Từ không ưa nhau, Lan và Ngọc dần dần trở thành đôi bạn thân cùng nhau cố gắng cho học tập.
Cô bạn thân này chia sẻ, các bạn trong lớp đặt biệt danh “bò” cho Lan vì liên tục hỏi cô giáo những câu rất ngây ngô. Có lẽ việc không ngại hỏi bất cứ điều gì mình chưa rõ là một trong những yếu tố giúp Lan học tốt suốt 9 năm liền.
Cô Tống Thị Chung, giáo viên chủ nhiệm của Lan, cho biết: “Trên trường Lan rất hoạt bát, nhanh nhẹn, nhiệt tình giúp đỡ các bạn trong lớp học tập. Em cũng hăng hái tham gia các hoạt động văn nghệ của lớp, trường, nhận kết quả xuất sắc trong cuộc thi Giai điệu tuổi hồng do huyện tổ chức”.
Cô bé nhí nhảnh này cũng luôn mang lại tiếng cười trong gia đình, theo tiết lộ của anh trai Nguyễn Khắc Phú. Trong mắt ông anh, Lan là cô bé luôn vui vẻ, lễ phép, sống tình cảm, rất quan tâm đến mọi người nhưng hơi rụt rè khi thể hiện ra bên ngoài.
"Bữa cơm trưa ngon nhất là khi có đủ các thành viên trong cả gia đình", Lan tâm sự.
“Trước đây khi nhà chưa có bình nóng lạnh, tôi vừa đi học vừa đi làm xa, chiều mùa đông nào Lan cũng nhắn tin hỏi: ‘Tối nay anh có về không, em đun nước tắm cho anh nhé”, anh Phú kể, cho biết hai anh em rất ít khi cãi vã, giận dỗi và mỗi lần như thế đều nhanh chóng làm hòa, vì họ gần gũi như hai người bạn tâm tình.
“Có những lúc em giận dỗi bố mẹ, tôi tìm cách nhắn tin hoặc trực tiếp tâm sự, khuyên bảo để em hiểu rằng bố mẹ chỉ có một, là người tốt nhất với mình, không ai quan tâm đến mình bằng bố mẹ nên phải biết yêu thương”, người anh chia sẻ.
Bố của họ, ông Nguyễn Khắc Phong (50 tuổi), cho biết, gia đình ông làm nông nghiệp, là hộ cận nghèo của xã, kinh tế phụ thuộc vào 6 sào ruộng. Để có thêm thu nhập, trước đây ông làm phụ hồ nhưng hiện nghỉ ở nhà vì sức khỏe yếu. Gia đình kiếm thêm bằng cách mở sạp quần áo nhỏ ở chợ.
“Tôi thường kể câu chuyện ngày xưa nhà nghèo phải ăn cơm trộn sắn, gạo mốc để con hiểu và trân trọng những bữa cơm ngon đầy đủ thịt, cá như bây giờ”, bố nữ sinh tâm sự.
Thương bố mẹ vất vả, Lan không đòi hỏi mua đồ, cố gắng phụ giúp việc gia đình và tập trung vào việc học. “Tôi không đặt ra mục tiêu cho con là phải đạt học lực giỏi. Con cứ cố gắng hết sức, đỗ vào trường nào thì học trường ấy, đó cũng là có năng lực rồi”, ông Phong cho hay.
Bởi thế, Lan chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới với tâm lý thoải mái, tâm niệm sẽ cố gắng cao nhất để vào lớp 10.