Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gập ghềnh đường hồi hương của anh Việt kiều tên Lượm

Xóm chài nhỏ của người Việt trên Biển hồ Tonle Sap là những ngôi nhà nổi kề nhau san sát. Giữa mênh mang sóng vỗ, một nhóm dăm bảy người đang uống rượu, hát karaoke.

Giọng ai đó khê khê chua nhưng xem chừng cũng quằn quại, da diết lắm: "Đến bao giờ trở về Việt Nam, thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều hoang, đường mòn quanh co ôm chân hàng tre thắm"…

Chủ nhân căn nhà nổi tên là Phạm Văn Lượm. Anh Chanh, anh Lượm, anh Ngón cùng với Phạm Văn Chiến là 4 anh em ruột. Gốc gác nghe kể ở huyện biên giới Tân Châu của tỉnh Tây Ninh nhưng nói chuyện quê hương họ gần như không có ký ức gì. Cũng may trong đoàn làm phim có nhà báo Lê Thiếu Nhơn nên chúng tôi mới có thêm nhiều thông tin về vùng đất ấy.

Sống trong thấp thỏm

Làng chài trên Biển hồ Tonle Sap

Anh Nhơn kể mình cũng đã nhiều lần về biên giới Tây Nam, cách Sài Gòn hơn trăm cây số. Đó là một trong những vùng đất lắm tang thương dưới tội ác tày trời của thảm họa diệt chủng Pol Pot và phong trào Khmer Đỏ. Những năm sau ngày đất nước thống nhất, hầu hết những miền quê đất Việt đã sạch bóng quân thù nhưng Tân Châu nói riêng và biên giới Tây Nam nói chung vẫn là mồ chôn của không biết bao nhiêu sinh mạng...

Ngày nay, ở sát bên Quốc lộ 22B đi qua huyện Tân Biên vẫn còn tấm bia chứng tích ghi rằng: Lúc 0 giờ 15 phút ngày 25/9/1977, quân Pol Pot - Ieng Sari đã xâm lược biên giới Việt Nam tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. 592 người đã bị cướp đi mạng sống… Rồi những An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An… dọc biên giới Tây Nam có rất nhiều những vùng đất đau thương như thế. Khi bộ đội ta kéo vào đánh đuổi quân Khmer Đỏ, người dân vì quá sợ hãi quân của Pol Pot nên phải bám chân theo. Quân giải phóng đi đến đâu nhân dân theo đến đó và có lẽ cũng vì thế mà người Việt ở trên Biển hồ này rất nhiều.

Anh Chanh, anh Lượm, anh Ngón nói chỉ nghe kể mang máng về quá khứ đau thương ấy, bởi vì từ bé họ đã cùng nhau lớn lên ở Biển hồ Tonle Sap. Cha mẹ họ cũng từng là “công dân Tonle Sap”, dù không nhớ rõ đến đây năm nào nhưng có lẽ là vào giai đoạn đau thương như lời anh Nhơn kể.

Hai ông bà sinh được cả thảy 9 người con, 4 trai và 5 gái, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau nên sau đó chỉ còn lại 4 anh con trai ở lại nơi này, tiếp tục lênh đênh trên những con thuyền đánh cá giống như bao “thế hệ F1” có gốc gác Việt Nam. Và có lẽ cuộc đời họ sẽ mãi gắn với Biển hồ này nếu  Campuchia không có chính sách di dời người Việt ra khỏi Tonle Sap. Một chính sách gây ra nhiều xáo trộn với cuộc sống của đồng bào gốc Việt. Những làng chài bị giải tỏa, di dời, xóa bỏ, những phận người buộc phải “bốc” lên bờ. Một số được đưa về các vùng lòng hồ thủy điện ở Việt Nam, số khác được đưa vào làm công nhân ở các công ty Việt Nam sang bên này trồng cao su, trồng cây ăn quả.

Anh Lượm và tấm thẻ cư trú do chính quyền Campuchia cấp, đã hết hạn

Bốn anh em họ Phạm bắt đầu mỗi người một ngả. Mấy năm trước gia đình anh Chanh và anh Ngón kịp bán nhà cửa, ghe thuyền rồi dắt díu nhau xuống Kampong Thom làm công nhân cao su. Anh Lượm gá nghĩa cùng chị Ngveing Thy Kong sinh được 3 đưa con, đứa lớn nay đã 19 tuổi, đứa nhỏ mới lên năm, cùng với hơn 300 hộ dân lay lắt bám trụ lại làng chài này. 5 người cùng nhau sống trên một căn nhà nổi rộng đâu tầm hai ba chục mét vuông, dựa hoàn toàn vào những chuyến quăng lưới, buông câu trong nỗi lo âu, thấp thỏm không biết sẽ bị "bế" đi lúc nào.

Một ngày của họ bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ, anh Lượm cùng đứa con trai đầu tên Phạm Văn Dương 19 tuổi hoặc đứa thứ hai mới chỉ lên mười nổ máy thuyền ra Biển hồ đánh cá. Bố quăng câu, bủa lưới, con ngồi lái thuyền, những năm trước cá tôm còn nhiều đến trưa đã có thể trở về nhưng gần đây chuyến nào cũng phải đi đến lúc trời tối mịt. “Gần 40 năm sống trên Biển hồ này chưa thấy khi nào cuộc sống lại khó khăn như lúc này cả”, anh Lượm thở dài rồi lái thuyền đưa chúng tôi ra vùng đánh bắt của người Việt.

Hành trang của chuyến “ra khơi” lần này là gần 100m lưới. Theo như lời của cha con họ, chính phủ Campuchia cấm người dân kéo cào, giật điện, chỉ cho phép người Việt đánh bắt ở những vùng chưa có ai thuê hoặc những vùng giáp với cửa sông nên chỉ được đánh loại lưới bé tí ti này. Cá lớn cũng còn nhưng thường chỉ có ở những vùng nước lớn, nơi người Việt không vào được. Còn lại mấy chỗ này toàn cá cơm. Ngày cố lắm may ra kiếm được khoảng trăm ngàn riel, còn thường thường chỉ có dăm ba chục ngàn. Năm nay giá xăng dầu cộng với mấy thứ chi phí lặt vặt khác cũng cao hơn nữa, mỗi chuyến đi thế này mất toi bảy tám chục ngàn riel rồi, bảo sao càng làm càng thiếu nợ người ta. Đó các anh xem, sáng đến giờ thuyền chạy bủa lưới liên tục vậy mà cũng được mấy cân cá cơm thôi à.

Mẻ lưới thưa tôm cá của bố con anh Lượm

Đi sang một số thuyền đánh cá khác của dân làng chài Tonle Sap cũng chẳng thấy khá khẩm gì hơn. Chuyến “ra khơi” với chúng tôi của bố con anh Lượm kết thúc sớm hơn thường lệ. Có ít cá mang về chị Thy Kong đem nghiền làm bột bán cho người ta. May ra được khoảng hai chục ngàn riel, khoảng 120 nghìn tiền Việt là cùng. Mưu sinh khó khăn, sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng ghê gớm. Sống ở đất khách quê người phải chịu sự chèn ép đủ đường. Mua lưới, mua cá người ta thách lên thách xuống. Nhiều năm trước người Việt và người Campuchia ở các làng chài còn ở xen kẽ với nhau, dần dà họ đưa người Campuchia lên bờ trước sau đó cứ biệt lập người mình dần, dồn đến những khu vực ít cá tôm như ở đây. Cũng may nhờ biết đùm bọc nhau nên gặp cảnh túng bấn nhà này hỗ trợ nhà kia, tất nhiên là chật vật qua ngày thế thôi chứ chưa bao giờ có tích cóp được gì. Chán chường đến nỗi mấy năm nay nhiều cư dân Việt ở các làng chài Tonle Sap bỏ lưới bỏ ghe, mặc cuộc sống muốn đến đâu thì đến.

Gian nan đường về

Trò chuyện với họ, chúng tôi thấy rằng hầu hết mọi người đều muốn trở về Việt Nam, thực tế cũng có nhiều người trở về rồi nhưng thủ tục giấy tờ rất phức tạp. Có những người ra đi từ bé, có người sinh ra ở trên này, ông bà, bố mẹ chết đi nằm lại ở đây, không ai chứng nhận gốc gác cho chứ đừng nói là giấy tờ tùy thân. Thành thử có về được cũng là kiểu về chui về lủi. Chưa kể cuộc sống vốn quen với sông nước trên này, lên bờ hay về nước làm gì để sống quả thật rất khó.

Anh Lượm nói đau buồn nhất là năm ngoái, bố đẻ của các anh ở Việt Nam mất nhưng vì dịch bệnh COVID-19 phức tạp, cả ba anh em đều không về được. Mẹ già ở quê khóc hết nước mắt đã đành, ba anh em bên đây cũng như thể đứt từng khúc ruột. Trong tâm khảm vẫn thường nói với nhau, dù cuộc sống khó khăn đến mấy thì cũng luôn mong mỏi sẽ có một ngày đủ điều kiện về quê để chăm lo, đỡ đần cha mẹ. Vậy mà rồi không một ai được gặp người cha già lần cuối. Ngày ông mất anh em chỉ biết lập ban thờ, vừa khóc vừa quỳ lạy từ xa xin cha thứ cho tội làm con bất hiếu.

“Nghe những người về Việt Nam sang đây kể, do không có giấy tờ thủ tục nên từ đây về qua biên giới đã phải mất nhiều tiền để người khác đưa đi chui. Về đến quê nhà địa phương cũng không có căn cứ nào để làm giấy tờ, căn cước công dân cũng chẳng có nên không làm được hộ khẩu. Về rồi lại phải đi là vì thế. Cha mẹ khốn khổ quen rồi nhưng nghĩ thương con cái, tương lai chúng không biết rồi đây sẽ như thế nào”, anh Lượm nói, chực như muốn khóc.

“Cuộc sống mưu sinh mỗi ngày một khó, lại thêm cảnh mấy chục năm cha mẹ, con cái, anh em ly tán mỗi người một nơi nên ai cũng muốn trở về nhưng không về được”, anh Lượm rưng rưng. Hỏi lý do không thể về, khắp các làng chài người Việt ở Tonle Sap đều chịu.

Gia đình anh Lượm

Giữa làng chài ở Tonle Sap có một ngôi trường dạy học cho con em người Việt Nam sinh sống tại đây. Thầy giáo phụ trách Nguyễn Minh Luân thông tin, ngôi trường này do Hội người Campuchia gốc Việt sáng lập. Ban đầu cơ sở vật chất gần như không có gì, cũng may nhờ được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 Việt Nam quan tâm đầu tư xây dựng, hiện đang là nơi dạy học và cưu mang 126 em học sinh ở Biển hồ.

Thầy Luân quê xã Hòa Hiệp, huyện biên giới Tân Biên của tỉnh Tây Ninh, vốn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm ở bên quê nhà. Năm 2007 theo người chú sang đây buôn bán, nhìn thấy cảnh học sinh bên này vất vả, thiếu thốn quá trời nên tình nguyện ở lại dạy học cùng với người thầy đầu tiên của trường là hiệu trưởng Trần Văn Tư. Người dạy buổi sáng, người buổi chiều, học sinh đủ lứa tuổi, vận động được gia đình đứa nào thì đưa đến học đứa đó thành thử có những em cách nhau cả chục tuổi vẫn học chung một lớp. Dần dà ngôi trường đặc biệt này đã có 7 thầy cô giáo, trong đó có 4 giáo viên Việt Nam và 3 giáo viên Campuchia, nhưng như lời thầy Luân chia sẻ thì việc học ở đây xem ra còn quá gian truân.

“Trẻ em ở đây ngày trước đa số không có điều kiện để được học hành. Ngày trước gia đình nào bố mẹ, ông bà biết chữ thì dạy lại cho con cái biết đọc biết viết thế thôi chứ có trường có lớp gì đâu. Kể từ khi thành lập đến nay trường cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, chính quyền các cấp và hội người Việt bên này nên mới vận động các em đến trường. Vừa để học tập vừa có điều kiện giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn với xã hội. Các hoạt động đều dựa vào sự hỗ trợ của cộng đồng nên còn vất vả lắm. Mặc dù nhà trường hay Hội người Việt luôn tạo điều kiện để có em có thể học lên nhưng thông thường chỉ đến lớp 5 là các em đã nghỉ học rồi, hiếm hoi lắm mới có em học đến lớp 8”, thầy Luân nói.

Chẳng đâu xa, mấy đứa con gia đình anh Lượm không có đứa nào học quá lớp 3. Lớn nhất là thằng Dương đã 19 tuổi nhưng trình độ cũng chỉ ở mức biết đọc biết viết. Hỏi sao không cố mà học lên bèn nghe nó hỏi ngược lại học để làm gì. "Cuộc sống ở đây giờ quá khó khăn, bạn bè con chúng nó đi làm công nhân hết cả rồi, con cũng muốn về dưới với chúng nó, muốn về Việt Nam chứ ở đây khổ quá, học nữa thì không có tiền", Dương tâm sự.

Nghe con cái nói mà buốt lòng buốt dạ. Anh Lượm cũng nói thêm, sau khi anh Ngón và anh Chanh về dưới làm công nhân cao su thấy cuộc sống đỡ hơn rất nhiều. Có nhà để ở, có công ăn việc làm, con cái được học hành đầy đủ. Các anh cũng điện lên nói về dưới nhưng nguyện vọng của vợ con muốn được trở về Việt Nam, trở về quê hương bản quán để ít nhất cũng có đủ giấy tờ tùy thân rồi đi đâu, làm gì mới tính. Nói rồi anh nổ máy ghe đưa chúng tôi ra cánh rừng ngập nước cạnh chiếc cổng làng cũng ngập lên đến đỉnh. 

"Nhiều lúc chỉ ước được như con cá linh. Chúng thường đẻ trứng ở trên Biển hồ này rồi theo dòng nước về bên Việt Nam, còn mình, muốn về lại không về được", anh Lượm buồn rầu. 

Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Tin mới