Cả buổi sáng tôi đi dọc sông quận 8, TPHCM để tìm nhóm người trở về từ Biển Hồ. Từ những người sống ven sông, gầm cầu tới những người chạy phà đều lắc đầu: “Hồi trước thấy họ vài lần, nay chẳng biết kéo nhau đi đâu”. Tôi qua phà tìm trên cù lao, nhưng người dân cù lao lắc đầu: “Chắc là họ đã về quê”. Nhưng quê họ ở đâu?
Mưu sinh bằng nghề lượm rác trên sông
Thu vào thế giới riêng
Đúng lúc tôi tưởng mình mất hẳn mọi dấu vết của những kẻ thương hồ Biển Hồ ấy thì tình cờ gặp hai chàng trai sống cạnh bến phà đang ngồi nhâm nhi vài con cá khô bên bờ sông. Họ hiểu chuyện, nói: “Anh sẽ chẳng bao giờ tìm được những người lang bạt ấy. Họ tá túc nơi mom sông, cây cỏ mọc um tùm, chỉ có thể thấy khi đi bằng ghe”.
Hai chàng trai lấy một chiếc thuyền ba lá chở tôi ra sông lớn. Trong gió lồng lộng và phải vượt qua những chiếc xà lan khổng lồ, chúng tôi mới tìm tới được bãi cỏ um tùm, nước đen ngòm, lấp ló mấy con thuyền cũ kỹ mục nát. Dăm con thuyền nhiều năm già nua, chúng cũng đã kiệt sức nằm một chỗ như những chủ nhân của chúng.
Chị Hiếu, người đàn bà ngăm đen, ngồi trên nóc chiếc thuyền nát. Giữa âm thanh sóng nước, chị nói như hét: “Chúng tôi từ Biển Hồ hồi hương về mấy chục năm rồi, mà giờ vẫn sinh sống trên thuyền này. Chồng tôi ốm đau, ổng đang nằm dưới khoang, không có sức mà đi làm thuê nữa”.
Chị Mai với hình ảnh chụp đứa cháu bị bướu cổ không có thuốc uống
Biết tôi là nhà báo, chị Hiếu nhờ vả: “Chú có cách gì phản ánh giùm gia đình tôi. Chúng tôi có đủ giấy tờ hồi hương từ Campuchia về quê cũ An Giang, cư trú ổn định trên sông gần chợ Bình Điền nay đã mấy chục năm. Vậy tại sao chúng tôi không làm được căn cước công dân? Chúng tôi kêu hoài mà giờ vẫn chưa có mã số công dân”.
Tôi bảo: “Chị làm đơn thư tường trình gửi địa phương, đề nghị được cấp mã số”. Người đàn bà lắc đầu: “Tôi không biết chữ chú ơi”.
Hơn cả sự cơ cực
Chị Mai, cũng trở về từ Biển Hồ, đón tôi trên chiếc phao cũ dập dềnh, cả hai suýt rớt xuống dòng nước đen ngòm. Những miếng bọt xốp thả trước thuyền nát làm mảnh sân nhỏ, nay mục mủn hết rồi. Khách và chủ cứ chao đảo mãi mới đứng lại được để trò chuyện.
Chị Mai kể: “Nước sông đen ngòm thế này mà nhiều năm chúng tôi với lũ nhỏ vừa ăn uống vừa tắm giặt. Về sau có ghe lớn đi qua thương, cho nước ngọt để ăn, còn vẫn phải tắm nước sông. Gần đây, nhờ câu được nước từ nhà trọ trên bờ ra, chúng tôi mới được dùng nước sạch”.
Tôi hỏi chị có mấy đứa con, chị Mai xòe ngón tay ra đếm: “4 đứa”. Chị bảo: “Tôi không biết chữ, chỉ biết đếm số”.
30 năm sống trôi dạt trên sông
Chị Mai lấy chiếc điện thoại cũ mở cho tôi xem tấm hình đứa cháu tên là An Nhiên, cứ trời nắng to thì cháu bị bướu cổ sưng to không cựa được. Chẳng biết có phải vì sống trên thuyền lâu ngày thiếu dưỡng chất, hay vì bố mẹ ăn uống nước sông ô nhiễm mà cháu bé bị bệnh hiểm từ khi lọt lòng. Ít nhất hai đứa trẻ bị bướu cổ, không đi học được. Chúng nằm trên mấy con thuyền đã nhiều năm nay.
Chị Mai lục trong túi ra mấy vỉ thuốc, bảo: “Tôi đưa cháu An Nhiên đi khám, bác sĩ kê toa thuốc, mỗi viên là 150.000 đồng, bảo mỗi ngày phải cho cháu uống 2 viên. Nhà không có tiền mua, nên từ hồi giờ không cho cháu uống thuốc nữa”.
“Chỉ cần tiền mua thuốc”
Nhóm gia đình trở về từ Biển Hồ sống gần chợ Bình Điền gồm 4 chiếc thuyền nát, không có nghề nghiệp ổn định. Trong cái thuyền cũ của gia đình chị Mai, chẳng có bất cứ một thứ gì giá trị ngoài những bộ quần áo cũ, một mảnh ván ngả lưng cáu xỉn và chiếc võng xác xơ.
4 con thuyền cũ neo đậu ở mom sông vắng vẻ, cây cỏ um tùm, phải đi vòng ra sông lớn mới nhìn thấy xóm đò ấy. Họ không thể buôn bán gì với người trong bờ, vì họ ở quá xa. Những người này cũng chẳng thể nào ra ngoài sông kia mà giao lưu với thuyền bè qua lại do thuyền họ mục từ khi nào.
Mỗi ngày, một cụ bà 72 tuổi rời thuyền, len lỏi qua bãi sình, đi vào bờ để bán vé số. Người ta bảo: “Bà cụ ấy chưa nghỉ bán vé số ngày nào”.
Chồng chị Hiếu làm thợ hàn, ai gọi hàn ghe, hàn xuồng thì đi làm, nhưng “thời gian gần đây già yếu nên anh thường nằm ở trên ghe”. Đứa con của anh mới hơn 10 tuổi, bệnh tật, nghỉ học, cũng nằm dài trên mảnh ván cũ với cha mình. Đôi mắt nó hiền hậu và phảng phất nỗi buồn mênh mang. Nó bảo: “Trời nắng to là cháu lại bị đau”.
Chồng chị Mai sống bằng nghề lượm ve chai trên sông. Quanh ghe toàn vỏ chai nhựa tròn méo đủ màu. Chị bảo: “Bây giờ cuộc sống văn minh, người trên bờ phân loại rác thải và hạn chế rác thải nhựa nên nghề lượm chai nhựa trên sông rạch không còn đủ sống”.
Tôi hỏi chị Hiếu: “Chị mong đợi gì, hãy chia sẻ với anh em chúng tôi”. Chị Hiếu bảo: “Tôi không dám mong có nhà cửa gì đâu. Chuyện đó thật quá xa vời. Bây giờ chỉ mong có tiền mua thuốc cho chồng, cho con”.
Tôi và hai anh bạn chạy xuồng ba lá cùng góp nhau 1 triệu đồng gửi tặng bốn hộ gia đình trở về từ Biển Hồ. Chị Mai bảo: “Ba chú ghé thăm, lại cho các cháu quà nữa!”. Hai chàng trai sống trên bến đò bên kia sông bảo: “Hoàn cảnh cô bác thật đáng thương! Để chúng cháu kêu gọi thêm bạn bè giúp đỡ”.
Chúng tôi rời bến đò “bí ẩn” để quay trở sang sông. Cả ba chúng tôi im lặng, trầm tư. Từ chiếc xuống ba lá ngoái nhìn về xóm chài nhỏ trong bãi cỏ. Chúng tôi thấy những đứa nhỏ ốm đau nhoài người nhìn theo ngơ ngác.
Hai thanh niên địa phương không lấy tiền đò chở nhà báo, họ bảo tôi: “Nhà báo đi làm việc thiện thì chúng tôi không thu tiền đò”. Một trong hai người lái xuồng ba lá trong đại dịch COVID-19 vừa rồi đã nhận nuôi một cháu bé mồ côi từ bệnh viện phụ sản, ngay sau khi mẹ bé qua đời vì COVID-19. Đứa bé nay khá lớn, kháu khỉnh.
Hai người nhà đò bảo tôi: “Nếu có đoàn từ thiện nào tới để giúp cho các hộ dân Biển Hồ thì nhà báo cứ bảo, anh em chúng tôi sẵn lòng góp chút công sức chở ghe miễn phí để các anh chị tìm được họ”.
Chị Hiếu, người dân trở về từ Biển Hồ nói: “Chúng tôi về đã mấy chục năm, tuổi cũng lớn rồi, gian khổ bao phen nếm trải. Chỉ thương những đứa nhỏ vừa lớn lên đã gặp bệnh hiểm nghèo mà thuốc thang không có, cứ phiêu dạt trên bến sông này, không biết tương lai chúng thế nào”.