Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện đời Việt kiều bên chợ 'cầu Sài Gòn'

Khu xóm Chùa bên cạnh chợ "cầu Sài Gòn" ở Phnom Penh, Campuchia quy tụ rất nhiều người Việt Nam sang làm ăn từ những năm 1991.

Ở Campuchia có một khu chợ mang tên "cầu Sài Gòn" nằm trên đại lộ Monivong sầm uất, thuộc xã Chba Om Pau 1 và 2, huyện Chba Om Pau, TP Phnom Penh. Tên gọi cầu Sài Gòn do người gốc Việt đặt sau khi quân tình nguyện Việt Nam tham gia giải phóng Phnom Penh năm 1979. Từ đó đến nay, địa danh này đã quần tụ một cộng đồng người Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước về mưu sinh, lập nghiệp.

Bất kể nắng mưa, bà Tám vẫn chăm chỉ bên chiếc xe hàng ở khu chợ cầu Sài Gòn

Khu chợ người Việt

Nghề nghiệp chính của người gốc Việt ở khu cầu Sài Gòn bây giờ là buôn bán, phần lớn họ chỉ đứng bán phía ngoài chợ vì giá thuê sạp trong chợ cao, họ không nhiều vốn và không có giấy tờ nên không dám đổ tiền mua sạp. Anh Trần Văn Đức, 30 tuổi, quê Châu Đốc, An Giang đã có mặt ở khu chợ cầu Sài Gòn từ những năm chưa đầy 20 tuổi. Cha của anh Đức sang Campuchia làm ăn từ lâu, thi thoảng ông về Việt Nam thăm vợ con. Khi hai anh em Đức đủ tuổi lao động, ông đã đưa cả nhà sang Campuchia. Gia đình làm đủ thứ nghề buôn bán, từ bán trái cây, bán quần áo, bán cơm cho tới bán cá tôm của Biển Hồ. 22 tuổi, Trần Văn Đức về thăm quê, được ít ngày thì bén duyên với chị Lê Thị Thanh Loan, 20 tuổi, cùng quê Châu Đốc. Đức xin phép cha mẹ cho tổ chức đám cưới rồi dắt vợ sang Campuchia sinh sống. Tại đây, vợ chồng Đức tách ra làm riêng bằng nghề bán bún riêu. Thấm thoắt gần 10 năm bôn ba xứ người, vợ chồng anh Đức “dư ra” được 2 đứa con, còn lại thì làm ngày nào chi tiêu ngày đó. Cha mẹ già yếu, đợt dịch COVID-19 năm ngoái đã về Việt Nam và sẽ sống những ngày cuối đời tại quê hương.

Anh Đức cho biết, buôn bán ở khu cầu Sài Gòn chỉ đủ sống qua ngày. Mỗi tháng, anh phải chi 100 USD thuê nhà (khoảng 2,3 triệu tiền Việt Nam), còn lại lo nuôi hai con nhỏ. Bé trai đầu lòng nhà anh Đức 5 tuổi vẫn theo cha mẹ ra chợ bán buôn từ 10 giờ sáng cho tới 3 giờ sáng hôm sau. Bên cạnh xe bún riêu là tấm chiếu nhỏ để cậu bé khi nào muốn thì chui vào đó ngủ.

Trẻ em người Việt ở đây đến tuổi đi học, một là về Việt Nam, hai là bỏ luôn, chịu cảnh mù chữ, thất học. Anh Đức dự định năm sau sẽ cho con về quê học, còn nếu khó khăn quá thì năm sau nữa, dù sao cũng phải về để kiếm con chữ. “Mình ít học nên phải tha phương, đời con mình không thể để chúng chịu thiệt thòi được. Bằng mọi giá phải tới trường, dù khó khăn đến mấy”, anh Đức quả quyết như vậy.

Nỗi nhớ cố hương luôn khắc khoải trong lòng người Việt tha phương

Ước mơ hồi hương chưa bao giờ thôi đau đáu trong lòng hai vợ chồng anh Đức. Đường về Việt Nam tuy không xa nhưng luôn cách trở bởi nỗi lo thường nhật. “Chúng tôi làm đầu tắt mặt tối mới đủ sống, đồng tiền ở đây chưa bao giờ dễ dàng cả, càng không có chuyện “việc nhẹ lương cao” như bao thanh niên trai tráng vừa qua bị dụ dỗ sang Campuchia lương vài chục triệu/tháng. Nghe đồng bào mình bị lừa rồi gặp nạn, tôi rất xót xa, thương cảm”, anh Đức chia sẻ.

Một trong những Việt kiều lâu năm nhất ở khu chợ này phải kể đến bà Nguyễn Thị Tám, 56 tuổi, quê Sa Đéc, Đồng Tháp. Bà Tám theo chồng sang Campuchia đến nay đã được gần 30 năm. Bà sinh hai đứa con ở đây, dựng vợ gả chồng cho chúng. Đến nay, gia đình bà Tám đã có đời thứ 3 nơi xứ người. Vì xa quê quá lâu nên anh em họ hàng của bà Tám đã “rơi rụng” đi gần hết, bây giờ bà chẳng còn ai là ruột thịt nữa, chỉ có mấy người họ hàng xa. Nhắc đến quê hương, lòng bà Tám bần thần, một nỗi buồn hiện lên trong khóe mắt. Bà bảo, ở đây có con cháu, về quê không còn ai nên cũng chẳng mong ngóng gì nữa.

Bà Tám cả đời buôn thúng bán bưng ở chợ cầu Sài Gòn. Ban đầu bà thuê sạp nhỏ bán cá, rồi bán tạp hóa. Một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi cái sạp của bà cùng tất cả vốn liếng. Trắng tay, bà Tám sắm một chiếc xe nước lèo ra đường bán bún riêu. Trời thương, những năm đầu tiên, chỉ có một mình bà bán món ăn mang đặc trưng hương vị miền Tây của Việt Nam nên được người Việt ở khu chợ và cả người Campuchia rất ưa chuộng. Thấy nồi bún của bà đắt hàng, nhiều người cũng sắm đồ nghề ra đường bán. Cuộc cạnh tranh khách hàng trên nồi bún ngày càng khốc liệt, nhưng cư dân Việt kiều vẫn vui vẻ, hài lòng với cuộc sống và chấp nhận quy luật để sinh tồn. 

Mòn mỏi ngóng quê

Khu xóm Chùa bên cạnh chợ cầu Sài Gòn quy tụ rất nhiều người Việt Nam sang làm ăn từ những năm 1991 và đông nhất từ năm 2000 trở đi. Nhiều người giàu nhanh đã sớm quay trở về quê hương sinh sống và ước mong được nằm lại trên chính mảnh đất của cha ông để lại. Đó là trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Tiến Minh, quê Lấp Vò, Đồng Tháp. Ông Minh từ Việt Nam qua Campuchia kinh doanh gạo. Trong khoảng 10 năm đầu, việc làm ăn thuận lợi, ông gửi tiền về Việt Nam mua đất đai, xây dựng nhà cửa và đến năm 2010, gia đình ông Minh trở về quê với cơ ngơi “khủng”. Người ta vẫn nhắc về ông Minh như một nguồn động lực để làm việc và ước mơ cho ngày trở lại. Tuy nhiên, đa số Việt kiều hành nghề buôn thúng bán bưng đều vẫn đang “mắc kẹt” trong vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền.

Nhọc nhằn mưu sinh nơi xứ người

Ông Lê Văn Đài, 55 tuổi, bán nước tại khu vực xóm Chùa sang Campuchia đến nay được tròn 30 năm. Quê ông Đài ở An Phú, An Giang. Thời trai trẻ, ông Đài buôn bán trái cây ở ngã 3 sông Châu Đốc, vùng biên giới tiếp giáp Campuchia. Văn hóa thương hồ của dân ghe tàu nhanh chóng trở thành sợi dây kết nối giữa những người bán buôn vùng biên hai nước. Ông Đài hay sang Campuchia nhập trái cây cho các chợ, sau khi thấy ở Campuchia dễ làm ăn hơn, ông Đài ở lâu dài. Nghề đổ mối trái cây mang lại thu nhập cao, khiến ông mải miết chạy theo mà quên luôn mình còn một mái nhà, một gia đình nhỏ và 2 cô con gái. Hôn nhân tan vỡ, buồn chán quá ông ở lại Campuchia và cũng sớm bén duyên với một cô gái Việt Nam. Ông chuyển sang nghề bán nước, tuy thu nhập không cao nhưng đủ sống qua ngày. Hơn 10 năm rồi ông Đài chưa trở lại quê hương, dù mái nhà xưa chỉ qua con sông Bình Di là tới.

Tháng năm sau này, tuổi già ập tới từng ngày, ông Đài bắt đầu nghĩ tới chuyện hồi hương. “Dù thế nào cũng phải trở về, mình không thể sống lang bạt hết đời ở đây được. Bao nhiêu năm làm lụng tích góp, hai vợ chồng đã mua được một mảnh vườn ở quê vợ tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Ba năm nữa, tôi sẽ đưa cả gia đình về, dựng một căn nhà nhỏ, trồng cây trái trên mảnh vườn và sống bình yên cho tới cuối đời. Nghĩ đến ngày về quê, tim tôi cứ rộn lên, lòng hân hoan khó tả, tôi đang mong từng ngày”, ông Đài bộc bạch.

Khu chợ gần “cầu Sài Gòn” ở Campuchia quy tụ nhiều người Việt

Ở một góc khác gần chân cầu Sài Gòn là xe nước của ông Trần Văn Thính, 52 tuổi, quê ở Tân Châu, An Giang. Ông Thính sang Campuchia được 9 năm, được xem là một trong những cư dân mới ở làng người Việt. Trước khi làm nghề bán hàng rong ở chợ, ông Thính có thâm niên hơn 3 năm làm bảo vệ casino gần cửa khẩu Mộc Bài. Nhìn thấy sự khốc liệt cùng những thâm cung bí sử đáng sợ bên trong khu ăn chơi này, ông Thính chuyển sang mưu sinh bằng nghề bán đồ ăn vặt. Được làm việc bằng chính công sức và mồ hôi của mình, nhận những đồng tiền chân chính, ông không còn phải thấp thỏm lo lắng bất an mỗi ngày vào ca trực tại casino. Thời gian vừa qua, có nhiều thanh niên bị lừa bán sang Campuchia, số nhảy sông tẩu thoát, số thì bỏ trốn chui lủi khắp nơi, số khác bị bắt đòi tiền chuộc. Ông Thính nghe ngóng được tin tức đã lặn lội trở lại biên giới, khu vực có nhiều casino đang hoạt động để tìm kiếm nạn nhân giúp đỡ. Ông giúp được một cô gái và chàng trai thoát khỏi “nanh vuốt” của bọn buôn người, trở về quê hương an toàn. Ông Thính cho biết, sức lực của ông có hạn, không thể giúp được nhiều người, nhìn cảnh đồng bào mình bị nạn, ông thật sự đau lòng. Ông chỉ biết khuyên nhủ, những thanh niên mới lớn hãy đi lên bằng đôi chân và giọt mồ hôi của chính mình. Đừng ảo vọng, mơ mộng giàu sang bằng những nghề “ngồi mát ăn bát vàng”, cái giá phải trả đôi khi bằng cả tính mạng.

Nguồn: An ninh thế giới

Tin mới