Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gần 500 con chó sói chết oan do các nhà khoa học tính nhầm

Mãi sau khi 463 con chó sói đã bị giết, các nhà khoa học Canada mới nhận ra chúng không phải là mối đe dọa lớn đối với loài tuần lộc ở đây.

Hiện nay, có khoảng 46.800 con tuần lộc núi còn sống sót trong tự nhiên. Chúng chỉ phân bố tập trung ở British Columbia sau khi biến mất hoàn toàn ở Mỹ. Sự sụt giảm nhanh chóng của loài vật này là tín hiệu báo động đối với chính phủ và các nhà sinh vật học, thôi thúc họ đưa ra biện pháp giải quyết. Nghiên cứu công bố năm 2019 của nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu tuần lộc Robert Serrouya ở Đại học British Columbia đề xuất tiêu diệt chó sói và tạo nơi trú ẩn có rào chắn cho tuần lộc cái mang thai có thể ngăn tuần lộc núi tuyệt chủng. Chính quyền British Columbia nhanh chóng trích dẫn kết quả nghiên cứu để lập kế hoạch diệt trừ chó sói và đã giết tổng cộng gần 500 con vào năm ngoái.

Ở một số nơi, chó sói không phải mối đe dọa lớn nhất với tuần lộc núi. (Ảnh: Tech Times)

Tuy nhiên, sau khi chạy các mô phỏng, nhóm nghiên cứu ở Đại học Alberta kết luận giết chó sói không giúp cứu tuần lộc ở những nơi chúng có nguy cơ tổn thương cao nhất. Trong nghiên cứu mới công bố hôm 14/7 trên tạp chí Biology and Conservation, nhà sinh vật học Toby Spribille và cộng sự sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu năm 2019 nhưng bổ sung thêm mô hình rỗng để kiểm tra độ tin cậy của kết quả.

Nhóm nghiên cứu của Spribille không tìm thấy dữ liệu chứng minh tiêu diệt chó sói và lập rào quây tuần lộc cái mang thai có thể giúp ngăn chặn sự sụt giảm của tuần lộc núi. Thậm chí, đối với đàn tuần lộc Wells Grey ở trung tâm British Columbia đang giảm số lượng nhanh nhất, các nhà nghiên cứu nhận thấy chó sói không phải loài ăn thịt chính. Gấu, báo sư tử và chồn sói còn giết nhiều tuần lộc hơn.

"Nghiên cứu năm 2019 không đủ thuyết phục để ra quyết định giết hàng loạt chó sói", Spribille kết luận.

Spribille và cộng sự cho rằng môi trường sống xuống cấp do chặt phá rừng tác động nhiều hơn đối với tuần lộc. Thông qua đốn cây cổ thụ, những người khai thác gỗ đã làm mất đi nguồn thức ăn quan trọng cũng như nơi trú ẩn quý giá cho loài vật. Theo Spribille, một khu rừng mất khoảng 80 năm để phát triển đến độ có thể cung cấp đủ lượng địa y, thức ăn chính của tuần lộc núi.

Nguồn: VnExpress

Tin mới