“Futsal Việt Nam đã làm rất tốt, tốt hơn nhiều nước khác ở sự quyết tâm và có kế hoạch rõ ràng, nỗ lực hết mình và quan trọng nhất là tính liên tục, tiếp nối.
Futsal Việt Nam không đến World Cup để rồi quay trở lại vạch xuất phát. Anh Trần Anh Tú và VFF chưa lúc nào dừng quá trình đó lại”, cựu HLV trưởng đội tuyển futsal Việt Nam Sergio Gargelli chia sẻ.
Chưa đầy 10 năm kể từ ngày xây những viên gạch đầu tiên cùng ông bầu Trần Anh Tú, futsal Việt Nam chạm đến sân chơi World Cup. Đó là một bước tiến thần tốc đối với một nền bóng đá mà ở thời điểm vị HLV ngoại đầu tiên được mời về cho ĐTQG – ông Pattaya Piamkum (năm 2007) - futsal chuyên nghiệp chỉ là con số không.
Futsal Việt Nam thành công lớn ở 2 kỳ World Cup.
Futsal Việt Nam không dừng lại ở một kỳ World Cup, mà có tới 2 lần tham dự liên tiếp đều vượt qua vòng đấu bảng. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để có thêm những lần sau, và khiến cho việc tranh tài ở đấu trường thế giới không còn là kỳ tích.
Bầu Tú và những người làm futsal Việt Nam đã từng đối mặt với bài toán về sự tiếp nối, sau thành công ở World Cup 2016. Đội tuyển Việt Nam bước vào cuộc chuyển giao ngay khi trở về với tư cách một trong 16 đội mạnh nhất thế giới.
HLV Bruno Garcia Formoso chuyển sang dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản. Lứa cầu thủ Nguyễn Bảo Quân, Phùng Trọng Luân… lớn tuổi trong khi thế hệ kế cận vẫn cần thêm thời gian để trau dồi. Đó là quá trình mà futsal Việt Nam phải chấp nhận những bước lùi.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Miguel Rodrigo mới đến vào năm 2017, đội tuyển Việt Nam chỉ giành huy chương đồng SEA Games 29, đứng hạng tư tại giải vô địch Đông Nam Á và dừng bước ở vòng tứ kết giải châu Á. Đội tuyển Việt Nam mất vị thế số 2 khu vực về tay Malaysia khi không thắng được đối thủ này ở cả 3 giải đấu kể trên (thua 2 trận, hòa 1 trận).
HLV Miguel Rodrigo dẫn dắt ĐT Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao giữa 2 kỳ World Cup.
“Phải thành thật là 2 năm qua có một sự chững lại của futsal Việt Nam”, HLV Đặng Đình Khang của CLB Sanna Khánh Hòa phát biểu vào năm 2019. “Môi trường futsal Việt Nam bây giờ rất khó để tuyển chọn được cầu thủ. Quá trình trẻ hóa cần thời gian. Nguồn lực cung cấp cầu thủ futsal chuyên nghiệp ngày càng hiếm”.
Những nhà quản lý không phải không lường trước được vấn đề này.
Bước chuyển giao giữa 2 kỳ World Cup
“Đào tạo thế hệ cầu thủ kế cận sau mỗi chu kỳ thành công là vấn đề nan giải”, HLV Rodrigo kể lại.
“Ngay cả tôi cũng gặp những khó khăn. Có lẽ là tôi đã có một chút ép buộc trong việc đòi hỏi các CLB trong nước phải sử dụng cầu thủ trẻ. Có vài lần các HLV nội phàn nàn, vì họ cần những cầu thủ già dặn hơn”.
Nhà cầm quân người Tây Ban Nha có một lựa chọn đầy phiêu lưu. Ông không chỉ mạnh dạn thay thế dần các cựu binh bằng cầu thủ trẻ, mà còn hướng họ đến lối chơi tấn công. HLV Rodrigo luôn quan niệm rằng một đội bóng muốn nâng cao trình độ phải học được cách chủ động tấn công.
"Bruno là người tạo ra khác biệt thực sự, làm mọi thứ trở nên chuyên nghiệp hơn và giúp các cầu thủ hiểu được chiến thuật futsal. Miguel dùng chính nền tảng đó để nâng cấp theo cách của ông ấy, cố gắng để đội tuyển Việt Nam chơi tấn công nhiều hơn. Phần lớn thời gian các buổi tập là rèn tấn công”, HLV Hector Souto, người từng làm trợ lý cho 3 HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam, cho biết.
Cùng thời điểm ông Rodrigo đến Việt Nam, HLV Souto cũng được giao nhiệm vụ phụ trách huấn luyện lứa cầu thủ trẻ kế cận, trong đó gương mặt nổi bật nhất là Châu Đoàn Phát, người đã ghi bàn quyết định đưa ĐT Việt Nam đến World Cup futsal 2021 và có thêm 2 pha lập công ở đấu trường này.
Trong bối cảnh futsal Việt Nam chưa có giải đấu cấp độ trẻ, họ được đưa lên thi đấu tại giải VĐQG. CLB Cao Bằng, mới thành lập trước đó một năm, chính là đội tuyển U20 Việt Nam, do đích thân HLV Souto dẫn dắt.
Lứa Châu Đoàn Phát thực ra đã trải qua một quá trình chuẩn bị trước đó vài năm. Họ chính là thế hệ cầu thủ futsal được đào tạo bài bản từ lứa tuổi U13 đầu tiên của Việt Nam, được huấn luyện bước đầu bởi HLV Zego, vị chuyên gia nổi tiếng là thầy cũ của Ricardinho, pivot từng 6 lần giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
Châu Đoàn Phát (số 4) là đại diện của lứa cầu thủ futsal Việt Nam được đào tạo bài bản.
Ông Souto lấy trường hợp Châu Đoàn Phát làm ví dụ về lộ trình phát triển của lứa cầu thủ này: “Đó là chặng đường phát triển rất tự nhiên. Tôi đối xử với cậu ấy như một tuyển thủ quốc gia. Cậu ấy đã trải qua đủ các giai đoạn phát triển từ nhỏ.
Cũng đừng quên Nhan Gia Hưng, cầu thủ trẻ nhất của ĐT Việt Nam hiện tại, và còn cả Tín Phát, Mạnh Dũng Nhật Trung, Nhất Tiến, Mi Woen, Lâm Tới. Họ đang chờ đợi cơ hội và cần có thời gian để lớn lên”.
Sau 5 năm, futsal Việt Nam lại có một kỳ World Cup thành công và một lần nữa đối mặt với bài toán về sự tiếp nối. Thử thách lần này không còn là giai đoạn chuyển giao thế hệ mà là việc nâng tầm, bắt đầu từ giải vô địch quốc gia. Trên thực tế, việc đội tuyển Việt Nam thi đấu ấn tượng tại Litva không phản ánh đúng thực lực của nền bóng đá.
“Đó sẽ là một thành tích khó mà lặp lại được. Đội tuyển Việt Nam chỉ chơi phòng ngự”, HLV Hector Souto nhận xét. Ông Miguel Rodrigo, một chuyên gia trong tổ phân tích kỹ thuật của FIFA tại World Cup futsal 2021, cũng có chung quan điểm như vậy.
Vị HLV người Tây Ban Nha vẫn giữ quan điểm rằng các cầu thủ, HLV Việt Nam chỉ biết chơi futsal đúng nghĩa khi nào họ có thể chủ động trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Ông đã cố gắng thực hiện vế thứ hai trong thời gian dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, nhưng đó là công việc còn dang dở.
ĐT futsal Việt Nam chơi ấn tượng ở World Cup 2021.
Đội tuyển Việt Nam vẫn đi sau các đối thủ ở tầm thế giới về cách chơi futsal hiện đại. Để khắc phục điều đó, futsal Việt Nam cần tăng cường sự hội nhập để tiếp cận nhiều hơn với môi trường quốc tế.
“Các CLB và liên đoàn còn phải làm rất nhiều việc. Tôi tin là họ hiểu rất rõ điều đó. Trước mắt, futsal Việt Nam cần có những cầu thủ ngoại, và đưa được cầu thủ ra nước ngoài tập huấn và chơi bóng”, HLV Souto gợi ý.
“Năm 2016, tôi đã nghĩ rằng sẽ có thêm nhiều cầu thủ xuất hiện ở giải VĐQG vì khi đó, đội tuyển và CLB Thái Sơn Nam đã đạt thành tích tốt ở các giải quốc tế, nhưng mọi thứ không như mong đợi.
Futsal Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn nữa vào việc xây dựng thế hệ kế cận. Còn quá ít các CLB trong nước có học viện đào tạo. Những cầu thủ mới đến với giải đấu không còn ở độ tuổi trẻ nữa.
Các bạn nên hướng tới việc tổ chức được các giải đấu trẻ, đồng thời cũng phải đào tạo các lớp HLV để cập nhật xu hướng hiện đại, vì cách làm cũ đã bắt đầu lỗi thời rồi. Thế giới bóng đá thay đổi từng ngày. Nếu không tiến lên, chắc chắn các bạn sẽ tụt lại”.