Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

F0 khỏi bệnh có nhiễm biến thể mới Omicron?

(VTC News) -

Sự xuất hiện của biến thể Omicron khiến nhiều người lo lắng và hoang mang, vậy người từng là F0 có nhiễm biến thể mới không?

Anh Quốc Bảo (nhân viên văn phòng, TP.HCM) cho biết, anh có tìm hiểu về biến thể Omicron và tỏ ra lo lắng về biến thể này. “Tôi đọc báo mỗi ngày về thông tin biến thể mới của COVID-19, chúng dễ lây lan hơn nhưng mức độ gây bệnh sẽ nhẹ. Dù vậy tôi cũng khá lo lắng lây nhiễm Omicron", anh Quốc Bảo nói.

Từng là F0 khỏi bệnh nên anh Bảo có một số thắc mắc về biến thể này. “Biến chủng mới này có khác loại với biến chủng Delta hay không? Người nhiễm biến chủng Delta rồi có kháng thể với biến chủng mới này không? Vì tôi được biết ngay cả bệnh sốt xuất huyết cũng có những chủng bệnh khác, người bệnh không có kháng thể với chủng mới”, anh Bảo đặt câu hỏi.

Chị Nguyễn Thị Phượng (quận 7, TP.HCM) là công nhân làm việc tại một nhà máy, hàng ngày tiếp xúc nhiều người nên chị cũng không an tâm về sự lây nhiễm COVID-19 dù đã tiêm đủ liều vaccine khi xuất hiện biến thể mới Omicron.

“Biến thể Omicron có lây lan nhanh hơn Delta và mức độ nguy hiểm như thế nào? Nếu TP.HCM xuất hiện biến thể này chúng ta có thể đối phó ra sao, khá lo lắng”, chị Phượng nói.

WHO khẳng định Omicron gây nguy cơ "rất cao" trên toàn cầu. 

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, hiện nay vẫn còn nhiều thông tin trái chiều về biến thể Omicron. Từ trước đến nay đã có nhiều biến thể của virus SARS-COV-2, mỗi loại biến thể có những biểu hiện triệu chứng, độ lây lan, độ nặng khác nhau.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) qua những dữ liệu nghiên cứu cho đến hiện tại, biến thể Omicron có khả năng làm suy yếu hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 và lây lan nhanh hơn Delta. 

Các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM được yêu cầu thực hiện giải trình tự gene để nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm biến thể mới, hiện nay vẫn chưa có trường hợp nhiễm.

“Tuy nhiên, TP.HCM vẫn chủ động phòng bằng cách đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 3 vaccine, đồng thời cần có sự chung tay, ý thức của toàn thể người dân”, BS Thư nói.

PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư. 

Về việc đã từng là F0 nhiễm biến chủng Delta liệu có nhiễm biến chủng mới, BS Thư cho biết, người đã nhiễm biến chủng Delta sẽ có kháng thể đối với chủng Delta và có thể không có, hoặc chỉ có một phần kháng thể với biến chủng mới, do đó vẫn có thể nhiễm chủng mới. Tuy nhiên, việc tiêm chủng vaccine là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để chống lại các biến thể mới, người dân cần thực hiện tiêm chủng đủ liều để gia tăng kháng thể.

“Kháng thể tạo ra sau bệnh COVID 19 không tồn tại suốt đời, Bộ Y Tế đã khuyến cáo người nhiễm COVID 19 nên thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 sau 6 tháng khỏi bệnh. Hiện nay có một số chuyên gia khuyến cáo người dân có thể tiêm sớm hơn, nhất là trước việc có sự xuất hiện của biến chủng mới”, BS Thư nói.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện thành phố vẫn chưa có ca nhiễm biến thể Omicron nhưng nhằm ngăn chặn biến thể xâm nhập, đồng thời phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron trên địa bàn, TP đã xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron phố với 8 giải pháp. 

Thứ nhất, tăng cường giám sát, kiểm dịch quốc tế tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải. Hành khách chuyến bay quốc tế phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, tổ chức cách ly kiểm dịch, xét nghiệm.

Thứ hai, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp. Theo đó, TP tổ chức tầm soát, sàng lọc tại các cơ sở y tế, trong cộng đồng, doanh nghiệp nhằm phát hiện sớm bất thường.

Thứ ba, tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm sớm phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron. TP.HCM xét nghiệm giải trình tự gene tất cả trường hợp dương tính như người nhập cảnh trong vòng 28 ngày và người tái mắc COVID-19. Người dương tính thuộc 2 trường hợp trên sẽ được chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly, điều trị.

Thứ tư, tăng cường cập nhật thông tin trên thế giới về biến thể Omicron để đánh giá đúng mức sự nguy hiểm; chuẩn bị biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả.

Thứ năm, triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại.

Thứ sáu, kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp thành phố đến huyện, xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra. Tùy theo mức độ nguy hiểm sẽ kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát tương ứng.

Thứ bảy, tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả các trạm y tế lưu động; tổ chức chăm sóc F0 tại cộng đồng.

Thứ tám, xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.

MAI THÚY

Tin mới