Quốc hội hôm nay 8/6 sẽ biểu quyết Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - Hiệp định được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030.
Không những thế, giới chuyên gia cho rằng EVFTA sẽ là cú hích góp phần giúp hồi phục nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19.
Thúc đẩy tăng trưởng hậu COVID-19
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng thị trường rộng lớn với 508 triệu dân và GDP khoảng 18.000 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
EVFTA được kỳ vọng giúp hồi phục nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID--19.
Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ dần xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
“Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay”, ông Long nói.
Vẫn theo chuyên gia, EVFTA đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, lan rộng và gây ảnh hưởng tiêu cực kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. “EVFTA kích thích xuất khẩu, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, sẽ giúp doanh nghiệp trong nước sức bật mới, qua đó giúp tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam”, PGS.TS Ngô Trí Long nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá, cơ hội mở ra rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức trong thiết lập, vận hành và thực thi các cam kết trong tương lai.
“EU là một thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... Vì vậy, để có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này”, ông Long cảnh báo.
Ông Long cho rằng để tận dụng hiệu quả lợi ích từ EVFTA, doanh nghiệp trong nước cần chủ động cập nhật thông tin, nhất là thông tin về ưu đãi thuế liên quan đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của các hàng hóa, dịch vụ và các hàng rào kỹ thuật khác. Bên cạnh đó, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng cần phải có chất lượng và bảo đảm yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Ngành nào hưởng lợi nhiều nhất?
Trong báo cáo mới đây, VnDirect nhận định EVFTA là động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Nguyên nhân là do EU cam kết xóa bỏ 99,2% các dòng thuế, tương đương 99,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang khối này.
EVFTA giúp nâng tầm cho nông sản Việt, tránh tình trạng được màu mất giá, được giá mất mùa?
Thứ nữa, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ trong 2019. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU (28 nước, bao gồm cả Vương quốc Anh) đạt 56,4 tỷ USD trong năm 2019, chiếm gần 11% tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Việc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các "đối thủ" khác như Trung Quốc và các nước ASEAN. Cụ thể, giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất thấp hơn 3,5-4,2% so với hàng từ Trung Quốc khi thuế suất giảm về 0% sau 3-7 năm.
Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore có hiệp định thương mại tự do với EU. “Các sản phẩm điện tử, thủy sản và dệt may sẽ hưởng lợi lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu”, báo cáo VnDirect cho biết.
Trong khi đó việc giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với máy móc, thiết bị chất lượng cao và công nghệ mới từ châu Âu với giá thấp hơn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ cao, từ đó mở ra cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, sự thâm nhập của hàng hóa châu Âu vào Việt Nam sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh buộc các nhà sản xuất trong nước phải cắt giảm chi phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ là bên được hưởng lợi lớn nhất.
Tuy nhiên, những ngành trong nước như dược phẩm, sữa và chăn nuôi sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng từ các sản phẩm nhập khẩu từ EU khi EVFTA có hiệu lực
Theo đó, khoảng một nửa xuất khẩu dược phẩm của EU sẽ được miễn thuế ngay lập tức và phần còn lại được miễn thuế sau 7 năm. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với dược phẩm từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước.
Thịt heo đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, các sản phẩm hàng ngày sau 5 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm. Hiện tại, các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế từ 10-40%. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chăn nuôi từ EU sẽ thúc đẩy sự thâm nhập của các sản phẩm này vào Việt Nam và làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Các nước châu Âu nổi tiếng về các sản phẩm sữa. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất sữa trong nước.
Tuy nhiên, EVFTA cũng mở ra cơ hội cho các công ty sữa Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ sản xuất và nguyên liệu sữa từ châu Âu vốn được đánh giá cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, từ đó góp phần cải thiện chất lượng các sản phẩm sữa trong nước.
'Đừng sớm hài lòng với các con số'
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) cho rằng EVFTA sẽ góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam gia tăng sức bật song cho rằng đừng quá vội mừng về những con số hiện nay. “Những năm qua, Việt Nam đã đạt được các thành tích lớn về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi mình có cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thì cái lợi cũng sẽ dành chủ yếu cho họ”, chuyên gia kinh tế nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia này lo lắng cơ hội từ EVETA phần lớn vẫn là dành cho các nhà đầu tư nước ngoài do “trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI hiện chiếm đến gần 70% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam”.
“Lo ngại là chúng ta không có các chính sách tương ứng cho doanh nghiệp trong nước. Rốt cục chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài hưởng lợi. Ví dụ như các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong… đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ được hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu. Nhất là khi họ đang khó khăn ở thị trường Mỹ và đây sẽ là điều họ sẽ nhắm đến khi Việt Nam được thông qua EVFTA”, bà Lan phân tích.
"Ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thì đầu vào cũng lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cho nên nguồn cung cấp đầu vào từ họ vẫn được hưởng lợi nhiều hơn chúng ta. Trong khi, hạn chế của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là việc vẫn chỉ tham gia khâu gia công – khâu thấp kém nhất trong chuỗi sản xuất các mặt hàng", bà Lan nói thêm.
Từ đó, chuyên gia cho rằng chúng ta đừng quá hài lòng với một vài những con số chung chung như thành tích xuất khẩu tăng lên, hay đầu tư nước ngoài tăng lên. Mà phải nhìn sâu vào vấn đề doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng lên được bao nhiêu, người Việt hưởng lợi được bao nhiêu từ tất cả những tăng trưởng đó...
Cơ hội ‘thoát Trung’ cho nông sản
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đánh giá EVFTA là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng sự thâm nhập của hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản.
“EVFTA sẽ giúp chúng ta mở cửa với châu Âu, một thị trường truyền thống tiềm năng, đa dạng hóa về nhu cầu nhưng cũng khắt khe về tiêu chuẩn. Điều này cũng giúp nâng tầm cho nông sản Việt Nam bằng tính truyền thống, đặc thù, đặc sản”, ông Toản nói.
Tuy vậy, Cục trưởng nhấn mạnh ở chiều ngược lại, các sản phẩm của EU cũng có ưu tiên khi xâm nhập thị trường Việt Nam. Do đó để có thể làm chủ cuộc chơi, chúng ta cần xác định các sản phẩm lợi thế mà EU có thể xuất khẩu vào Việt Nam là gì. “Điều cần thiết là phải phát triển thương hiệu, đẩy mạnh các sản phẩm đặc thù, đặc sản để nâng được lợi thế của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu”, Cục trưởng cho biết.
PGS.TS Ngô Trí Long cũng lưu ý, để tận dụng cơ hội, sản phẩm nông sản xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về xuất xứ, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội: “Chúng ta phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch, đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn thuộc vào loại cao nhất của thế giới. Đồng thời minh bạch thông tin và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”.
Cùng quan điểm, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và cạnh tranh cho rằng vấn đề chất lượng nông sản là điều quan trọng hàng đầu khi cạnh tranh trên thị trường mở. “Vấn đề không phải ở kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bao nhiêu tỷ USD, mà là giá trị gia tăng trong đó là bao nhiêu? Và trong giá trị gia tăng ấy, doanh nghiệp Việt, nông dân Việt được hưởng lợi thế nào?”, tiến sĩ Thành nói.