Phát biểu tại cuộc họp ủy ban Nghị viện châu Âu, Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson nói: “Chúng tôi không có ý định kéo dài thỏa thuận vận chuyển khí đốt ba bên với Nga, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm nay” .
Tuyến đường quá cảnh qua Ukraine vẫn là tuyến đường duy nhất cung cấp khí đốt của Nga cho các nước Tây và Trung Âu. Việc bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) đã bị đình chỉ hoàn toàn.
EU sẽ ngừng nhập khí đốt từ Nga trung chuyển qua Ukraine. (Ảnh: AP)
Thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.
Theo Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson, các quốc gia nằm trên tuyến vận chuyển khí đốt, trong đó có Áo, Italy và Slovakia sẽ có thể tìm được nguồn cung thay thế.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga vẫn bán khí đốt tới EU theo thỏa thuận 5 năm đạt được vào năm 2019. Tuyến đường ống qua Ukraine và nhánh TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ là 2 tuyến còn lại đưa khí đốt của Nga đến Trung và Tây Âu.
Các quan chức Ukraine trước đó giải thích rằng thỏa thuận vận chuyển hiện tại qua lãnh thổ nước này được duy trì do nhu cầu khí đốt của Cộng hòa Séc, Áo và Slovakia.
Quyết định không gia hạn hợp đồng vận chuyển hiện tại sẽ làm giảm thêm khả năng tiếp cận khí đốt qua đường ống của EU và có thể làm khối phải tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nguồn, bao gồm cả từ Nga.
Nga cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho khu vực kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Châu Âu đang tìm cách loại bỏ việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Giới phân tích cho rằng, việc chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine có thể khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng nhẹ nhưng sẽ không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng chung của châu Âu.
Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho hay, Nga sẽ tìm các tuyến đường thay thế để xuất khẩu khí đốt nếu thỏa thuận với Ukraine không được gia hạn.