Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Tịch thu tài sản của Nga sẽ khiến đồng euro gặp nguy hiểm'

(VTC News) -

Đây là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta sau khi nhiều nước phương Tây muốn tịch thu hơn 300 tỷ USD của Nga để chuyển cho Ukraine.

Trong buổi thảo luận về vấn đề tịch thu tài sản của Nga ở châu Âu diễn ra tại Brussels hôm 26/1, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta đã cảnh báo rằng Liên minh châu Âu (EU) không nên sử dụng đồng euro như một công cụ trong các lệnh trừng phạt và tranh chấp chính trị, vì nó sẽ gây tổn hại đến hình ảnh và vị thế của đồng tiền này. 

Hiện tại EU, Mỹ, Nhật Bản và Canada đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga từ năm 2022 như một phần của các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Ukraine. Khoảng 200 tỷ USD trong số đó được nắm giữ ở EU, phần lớn tại cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta cảnh báo không nên sử dụng đồng euro như một công cụ trong các lệnh trừng phạt và tranh chấp chính trị. (Ảnh: Bloomberg)

Brussels hiện đang lên kế hoạch áp dụng thuế đối với lợi nhuận mà Euroclear đang kiếm được từ các quỹ của Nga đang bị đóng băng, đồng thời lựa chọn không tịch thu hoàn toàn số tiền cố định. Tuy nhiên, Italy là một trong số các quốc gia thành viên EU, bao gồm Đức và Pháp lại tỏ ra hoài nghi về các động thái liên quan đến tài sản của Nga.

Các nước trên cho rằng việc sử dụng tài sản bị phong tỏa có thể khiến các nhà đầu tư từ các quốc gia khác nghi ngờ về sự an toàn của cổ phần họ nắm giữ ở EU và có động thái rút đầu tư khỏi châu Âu. Điều này sẽ làm suy yếu đồng euro trong dài hạn.

“Sức mạnh này phải được sử dụng một cách khôn ngoan”, ông Panetta nói khi đề cập đến vị thế của đồng euro như một đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Ông Panetta cũng đưa ra cảnh báo tương tự tại một sự kiện ở Riga (Latvia), đánh dấu kỷ niệm 10 năm Latvia sử dụng đồng euro.

“Quan hệ quốc tế là một phần của 'trò chơi' lặp đi lặp lại. Khi vũ khí hóa một loại tiền tệ chắc chắn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của nó và khuyến khích sự xuất hiện của các lựa chọn thay thế”, ông Panetta nhấn mạnh.

Theo quan chức này, sự gia tăng gần đây trong việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã cho thấy chiều hướng này, bởi vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thúc đẩy các quốc gia khác như Nga tìm đến một ngoại tệ dữ trự mới.

“Chính quyền Trung Quốc đang thúc đẩy rõ ràng vai trò của đồng nhân dân tệ trên trường toàn cầu và khuyến khích sử dụng nó ở các quốc gia khác", ông Panetta nói và cho rằng tỷ trọng thương mại của Trung Quốc được thúc đẩy bằng đồng nhân dân tệ. Mặt khác nó còn cho phép đồng nhân dân tệ vượt qua đồng euro để trở thành đồng tiền thương mại được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới.

Các loại tiền tệ phương Tây phần lớn đã bị loại bỏ trong thương mại Nga-Trung, vì gần 95% tất cả các giao dịch giữa các nước hiện được thực hiện bằng đồng rúp hoặc nhân dân tệ. Nga không phải là nền kinh tế lớn duy nhất sử dụng đồng tiền Trung Quốc để thanh toán thương mại, khi ngày càng có nhiều quốc gia tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng USD và đồng euro, bao gồm Argentina, Ả Rập Xê-Út, Brazil và Iran.

Trà Khánh

Tin mới