Liên minh châu âu (EU) đang xem xét áp đặt một khoản thuế đối với tiền lãi từ nguồn tiền mặt của Nga bị đóng băng ở nước ngoài. Khoản tiền này có thể giúp thu về khoảng 3 tỷ euro mỗi năm và giúp Ukraine tái thiết lại cơ sở hạ tầng sau chiến tranh.
Theo The Guardian, vấn đề này sẽ được các nhà lãnh đạo EU thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu diễn ra ngày 29-30/6 trong nỗ lực khai thác giá trị của các quỹ của Nga bị đóng băng ở nước ngoài bởi các lệnh trừng phạt.
Ý tưởng này đã được đưa ra ba tuần qua sau khi Đức phản đối một đề xuất liên quan đến quản lý một số loại tài sản của Moskva như du thuyền sang trọng, cổ phiếu, tác phẩm nghệ thuật và quỹ chính phủ Nga.
Việc tái thiết Ukraine được dự đoán sẽ tiêu tốn 411 tỷ USD. (Ảnh: Getty)
Các chuyên gia cố vấn tại EU cho rằng, khoản thuế gia tăng sẽ được an toàn về mặt pháp lý, tuy nhiên cuộc thảo luận tiếp theo với các đối tác bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Vương quốc Anh sẽ diễn ra trước khi đề xuất trở thành dự thảo và chính thức đi vào hiệu lực.
EU đang nắm giữ tài sản của Nga trị giá khoảng 200 tỷ euro, trong đó 100 tỷ euro là tiền mặt từ dự trữ ngoại hối của Moskva. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nếu đề xuất mới của EU được thông qua, khoản thuế bổ sung 3% có thể khiến mức thuế mà Moskva phải trả tăng thêm 3 tỷ euro/năm.
Các quỹ có chủ quyền của Nga hiện thuộc quyền sở hữu tạm thời của Euroclear, sở giao hoán phiếu khoán ngân hàng của EU tại Brussels. Tại đây, tiền lãi bị đánh thuế ở mức 20% và biên lai kho bạc sẽ được chuyển đến Ukraine.
Theo Financial Times, các quốc gia EU bị chia rẽ nặng nề về ý tưởng của Uỷ ban châu Âu (EC) khi đề xuất sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga. Tờ báo cho biết các nước lớn bao gồm cả Đức không muốn vội vã đi theo con đường này bởi quan ngại đề xuất có thể làm lung lay niềm tin vào sự an toàn của tài sản do các quốc gia nước ngoài cất giữ ở châu Âu.
EC trước đó cho biết họ đã xem xét một lộ trình khác về quản lý tài sản của Nga nhằm tạo ra lợi nhuận có thể được sử dụng cho Ukraine, đồng thời đảm bảo tài sản cơ bản cuối cùng vẫn được trả lại cho Nga. Tuy nhiên, điều này vẫn tiềm ẩn rủi ro pháp lý, có nguy cơ khiến tài sản mất giá trị và phải được thanh toán toàn bộ bởi những người nộp thuế ở châu Âu.
Kể từ năm ngoái, EC nhiều lần tuyên bố rằng luật pháp hiện hành của châu Âu không cho phép tịch thu tài sản nước ngoài bị đóng băng do các hạn chế đơn phương của EU. Tuy nhiên, Ủy ban đã bắt đầu nỗ lực trong việc thay đổi quy định của châu Âu để hợp pháp hóa việc tịch thu những tài sản đó.