Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dương Kỳ Anh: Đã thôi bận lòng chuyện Hoa Hậu

Lần đầu tiên trong suốt 20 năm của cuộc thi HHVN, người đứng trên sâu khấu, trân trọng đặt vương miện lên đầu người đẹp không còn là nhà thơ Dương Kỳ Anh...

Lần đầu tiên trong suốt 20 năm của cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam, người đứng trên sâu khấu, trân trọng đặt vương miện lên đầu người đẹp không còn là nhà thơ Dương Kỳ Anh. Năm nay, người “cha đẻ” của cuộc thi lặng lẽ ngồi dưới khán đài, vẫn từng phút từng giây dõi theo cuộc thi nhưng tâm trạng, cảm xúc, tình cảm của ông với đứa con lần đầu tiên xa rời vòng tay mình hẳn rất nhiều cung bậc.

 

Tôi đến thăm Dương Kỳ Anh vào một buổi chiều. Tư gia của nhà thơ tĩnh lặng trong một ngày nắng oi ả, dậu phong lan tỏa bóng xuống một góc sân, lác đác vài cánh hoa tigon gieo mình trên nền gạch đỏ ối.

Phòng khách bài trí đơn giản nhưng mát mẻ. Nhà thơ tiếp khách bằng tách trà xanh mát và giọng nói nhẹ nhàng, khéo léo như thể được rèn luyện sau hơn 20 năm tiếp xúc với những giai nhân khắp chốn. Tôi không phải là người duy nhất trò chuyện với ông về những hỉ nộ ái ố trong hành trình 20 năm HHVN. Trước đó, báo giới đã ưu ái dành cho ông nhiều tên gọi như “Cha đẻ cuộc thi HHVN”, “Ông trùm hoa hậu”, thậm chí có nơi tập hợp 150 bài viết về ông để in sách. Thế nhưng, khi tiếp tôi, bao tình cảm, cảm xúc về cuộc thi trong ông vẫn trào dâng cứ như thể những câu chuyện ấy còn mới nguyên, tinh khôi tưởng như còn chưa gột hồ. Tất thảy cũng bởi lẽ, với nhà thơ Dương Kỳ Anh, cuộc thi là người con đẻ mà ông vô cùng tự hào, dù hôm nay, đứa con đã rời xa vòng tay bảo bọc của ông để trưởng thành với quy mô tổ chức công phu và hoành tránh hơn.

Cảm hứng nào đã khiến ông quyết tâm tổ chức cuộc thi hoa hậu lần đầu tiên?

Phải mất đến gần 10 năm tôi mới đủ quyết tâm để tổ chức cuộc thi này. Còn nhớ năm 1970, khi còn là phóng viên báo Tiền Phong, trong chuyến công tác tại Sapa tôi đã gặp người con gái vô cùng xinh đẹp. Cô là con út trong gia đình hai chị em gái cùng bố mẹ chuyển từ miền xuôi lên Sapa sinh sống. Những buổi tối tá túc tại nhà cô ấy, tôi thường ngồi bên bếp lửa chuyện trò, đọc thơ cho cô nghe. Lúc chia tay, cô ấy khóc vì chúng tôi đã có cảm tình với nhau. Cô ấy đưa cho tôi một lá thư dán kín, dặn phải về Hà Nội mới được mở ra đọc. Lúc đó tôi rất hồi hộp vì nghĩ đó là thư tình. Đến khi mở ra, chỉ thấy vẻn vẹn hai dòng: “Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay”. Câu ca dao giống như nỗi lòng của cô gái đó, xinh đẹp dường ấy mà có ai biết đâu. Mãi đến sau này tôi vẫn ám ảnh bởi lá thư đó.

Lần khác, vào khoảng năm 77-78, tôi đến thăm dinh Bảo Đại ở Đà Lạt. Tôi đã bắt gặp tấm ảnh Nam Phương Hoàng Hậu tuyệt đẹp, bên dưới có chú thích Hoa hậu Nam Kỳ Lục Tỉnh. Lúc đó, tôi chợt tự hỏi, liệu đó có phải là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Và ý nghĩ về cuộc thi hoa hậu bắt đầu lóe lên trong tôi. Nhưng phải đợi đến năm 1988, lần đầu tiên một cô gái Châu Á người Thái Lan tên là Phon Thít đăng quang tai cuộc thi hoa hậu thế giới, ý nghĩ này mới bùng lên mãnh liệt. Thủ tướng Thái Lan khi đó đã ra tận sân bay đón tân hoa hậu và nói một câu mà tôi nhớ mãi “Tôi đã đón nhiều vị khách quan trọng có cả vua và hoàng hậu các nước nhưng sao tôi không thấy run như khi đón Hoa hậu Phon Thít trở lại quê hương mình”. Chúng tôi đã xem lại cuốn băng ghi hình cuộc thi hoa hậu thế giới và tự hỏi: “Tại sao Việt Nam không tổ chức thi hoa hậu nhỉ? Sao Báo Tiền Phong không thử tổ chức cuộc thi hoa hậu?”. Vì thế, sau khi thống nhất Ngày hội báo Tiền Phong 35 năm tại Cung Văn hóa Thiếu nhi trong ba ngày, Ban tổ chức đã quyết  định trong đó sẽ có cuộc thi tuyển chọn người đẹp mang tên “Hoa hậu Hội báo Tiền Phong năm 1988”. Còn nhớ trong buổi họp bàn đó, tôi khẳng định, cuộc thi hoa hậu là một cách thức để định hướng cho thanh niên về cái đẹp, thi hoa hậu là tôn vinh cái đẹp, tôn vinh con người... Và rất nhiều ý kiến tán thành hưởng ứng.

So với bây giờ, cuộc thi đầu tiên ấy chắc hẳn còn sơ khai lắm?

Đúng vậy. Khi đó sân khấu đâu có hoành tráng như bây giờ. Các thí sinh có gì mặc nấy chứ làm gì có nhà tài trợ, chuyên gia trang điểm. Tôi nhớ trước khi cuộc thi diễn ra vài chục phút, hàng rào sắt phía ngoài bị hàng ngàn thanh niên ùa vào phá vỡ. Trong sân khấu chật hẹp của Nhà Văn hóa Thanh niên Hà Nội có tới gần ngàn người. Ở cuộc thi đầu tiên, các phần tương đối giống với Hoa hậu thế giới đó là trình diễn trang phục áo tắm, trang  phục tự chọn, đặc biệt có thêm phần sáng tạo là trang phục áo dài dân tộc. Hài hước nhất có lẽ phải kể đến phần trình diễn áo tắm. Vào thời đó, lần đầu tiên có chuyện những cô gái trẻ đẹp mặc đồ tắm bước lên sân khấu dưới ánh đèn sáng trưng và hàng ngàn con mắt theo dõi. 30 phút trôi qua mà không thí sinh nào chịu ra sân khấu. Ca sĩ Ái Vân phải cứu nguy bằng cách mặc áo tắm và biểu diễn mẫu. Bằng cách đó cô mới động viên được các thí sinh mạnh dạn trình diễn trước khán giả. Phía dưới khán đài cả giám khảo lẫn công chúng đều ngây người theo dõi.

 

Sau cuộc thi đầu tiên đó, có phải TBT Báo Tiền Phong Dương Kỳ Anh bị buộc tội là tuyên truyền lối sống Mỹ?

Đó là do kết quả của cuộc thi thành công lớn ngoài mong đợi của ban tổ chức. Hãng tin nổi tiếng CNN sau đó đã phát sóng cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất và cho đó là một trong những biểu hiện cụ thể của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Nhiều hãng truyền hình khác như NHK của Nhật, Truyền hình Tây Ban Nha, BBC liên tiếp đưa tin và bình luận. Có gần ghé thăm Đại sứ quán Liên Xô, tôi còn bắt gặp rất đông cả người Việt và người Nga chen nhau mua vé xem hoa hậu Việt Nam với giá 0,5 rúp. Tôi rất xúc động.

Tuy nhiên, từ thành công của cuộc thi, vô số các cuộc thi sắc đẹp khác thi nhau ra đời đến mức loạn hoa hậu. Nào là hoa hậu phường, hoa hậu hội Lim, hoa hậu Đền Hùng, người đẹp quê lụa…. Tôi bị kết tội là “kích động” thi hoa hậu, tuyên truyền lối sống Mỹ, đưa áo tắm hai mảnh lên sân khấu. Tôi phải rất vất vả để bảo vệ ý nghĩa chân chính của cuộc thi này. Hơn nữa, cuộc thi đầu tiên chúng tôi tổ chức mà không xin phép. Thực sự lúc đó không phải chúng tôi coi thường cấp trên mà vì chẳng ai nghĩ ra là phải xin phép.

Vậy ông đã làm thế nào trước búa rìu dư luận và chỉ trích của xã hội khi đó?

Tôi có tìm thấy một cuốn sách kể về ngày hội tuyển chọn người đẹp nhất trong lễ hội Đền Hùng cách đây trên hai trăm năm. Về sau lên dự hội Đền Hùng, tôi mới được nghe các cụ kể rằng, cứ ngày hội hàng năm, dân làng chọn ra một cô gái chưa chồng, đẹp người, đẹp nết, đưa lên lên kiệu rồng và các chàng trai khỏe mạnh khiêng đến hội. Dọc bờ sông cờ phướn tung bay, trống ếch khua vang, và tiếng hò reo không ngớt. Tôi đã mang câu chuyện đó ra để chứng minh, ngay từ cách đây hàng trăm năm đã có một cuộc thi như thế ở Việt Nam, trước khi nước Mỹ ra đời. Vậy sao nói tôi tuyên truyền lối sống Mỹ?

Trong một cuộc họp của Ban Bí thư và Bộ Chính trị bàn về văn hoá nói chung, sau khi nghe tôi tường trình 15 phút, đồng chí Đào Duy Tùng lúc đó là thường trực Ban Bí thư kết luận: “Cuộc thi hoa hậu là một sinh hoạt văn hoá mới. Tổ chức 2 năm một lần như Tiền Phong là được”. Sau đó, việc tổ chức hoa hậu của báo Tiền Phong thuận lợi hơn rất nhiều.

Suốt 20 năm sau đó, còn những cuộc thi nào khiến ông bị những cú “để đời” như thế nữa không?

Nhiều lắm chứ. Những kỷ niệm đó về sau tôi đã viết lại trong cuốn Hoa hậu và những chuyện bên lề các cuộc thi HHVN của NXB Thanh niên.

Ví như chuyện vị giám khảo Giáo sư Hoàng Thiệu Khang say rượu không chấm điểm khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải lên sân khấu “chữa cháy”. Ông ôm đàn ghi ta hát hết bài này đến bài khác, khán giả vỗ tay rào rào suốt 20 phút cho đến khi các phiếu điểm được hoàn thành. Đó là sự cố khiến tất cả chúng tôi toát mồ hôi hột. Hay chuyện người đẹp M.X tự tử năm Hà Kiều Anh đăng quang cũng làm Ban tổ chức đau đầu. Thí sinh M.X có điểm rất cao chỉ sau Kiều Anh. Nhưng cô này bị các thí sinh khác kiện là đã có con. Kíp bác sĩ nhân trắc học đã xác minh sự thật đúng là như vậy. BTC đã buộc cô phải lựa chọn hoặc là rút lui hoặc là BTC sẽ công bố việc cô vi phạm nội quy. Về sau, Ban biên tập báo Tiền Phong tá hỏa khi nhận được tin M.X tự tử, rất may không nguy kịch đến tính mạng.

Ông có cảm thấy hụt hẫng không, khi sau hơn 20 năm lao tâm khổ tứ với đứa con đẻ là cuộc thi HHVN, giờ đây nó đã vuột khỏi tay mình?

Không, ngược lại tôi thở phào nhẹ nhõm. Làm một người cha, nuôi con khôn lớn, trưởng thành bước ra với đời thì mình phải vui mừng chứ sao lại buồn. Giờ nghĩ lại nếu lại phải sinh con, nuôi nấng nó 20 năm nữa thì ngại lắm. (cười)

Giờ đây niềm vui lớn nhất lúc an nhàn của ông là gì?

Tôi nhận lời làm chủ tịch hội đồng biên tập tờ báo www.tamnhin.net, báo điện tử của giới Doanh nhân. Lúc rảnh thì đọc báo, đọc sách, viết thơ văn... Thế thôi.

Vâng xin cảm ông!

Tuấn Minh

Ảnh: Cát Kường

Nguồn:

Tin mới