Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đường hơn 8 tỷ ‘treo’ vì doanh nghiệp chiếm đất khai thác khoáng sản sai phép

(VTC News) -

Dự án mở rộng đường từ độn Hóc đi Quốc lộ 1A ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) có vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng phải tạm dừng triển khai vì mỏ đất khai thác sai phép.

Video: Doanh nghiệp chiếm nhiều hecta đất để khai thác khoáng sản sai phép ở Huế

Liên quan đến vụ doanh nghiệp ở Huế chiếm đất khai thác khoáng sản sai phép, trả lời PV VTC News, lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) xác nhận, hoạt động vận chuyển đất từ khu vực khai thác mỏ của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 ở khu vực Phường Hóp (xã Phong An, huyện Phong Điền) là một trong hai nguyên nhân chính khiến một dự án do đơn vị làm chủ đầu tư phải tạm dừng suốt thời gian dài.

UBND huyện Phong Điền quyết định đầu tư hơn 8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình mở rộng tuyến đường từ độn Hóc đi Quốc lộ 1A – Km 23 (xã Phong An). (Ảnh: Quốc Cường)

Theo lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền, tuyến đường từ độn Hóc đi Quốc lộ 1A – Km 23 (xã Phong An) vốn là một tuyến đường bê tông tương đối bằng phẳng. Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng và một phần ảnh hưởng từ hoạt động vận chuyển khai thác đất từ khu vực Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 khiến tuyến đường này bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.

Tháng 3/2022, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân, đồng thời, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, góp phần xây dựng huyện Phong Điền sớm trở thành thị xã nên UBND huyện quyết định đầu tư xây dựng công trình mở rộng tuyến đường kể trên với tổng vốn đầu tư là 8.152.785.000 đồng. Trong đó, chi phí xây lắp là 6.305.291.000 đồng. Thời gian thực hiện là 3 năm kể từ ngày khởi công.

Tuyến đường vốn là con đường bê tông khá bằng phẳng và người dân vẫn thường qua lại thường xuyên nhưng sau đó bị hỏng hóc nghiêm trọng. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Lãnh đạo Ban đầu tư Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền cho biết, đơn vị trúng thầu thi công dự án đường kể trên là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh. Ngày 29/11/2022, công ty này được bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.

Tuy nhiên, khi đơn vị mới thực hiện thi công được một số hạng mục nhỏ thì buộc phải tạm dừng từ cuối năm 2022 đến nay. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án phải tạm dừng là do hoạt động vận chuyển, khai thác đất từ khu vực mỏ của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 tại khu vực Phường Hóp (xã Phong An). 

Cụ thể, theo lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền, ngoài nguyên do liên quan đến giải phóng mặt bằng thì các xe tải chở đất với trọng tải rất lớn chạy từ mỏ đất ở khu vực Phường Hóp ra Quốc lộ 1A một cách thường xuyên và liên tục khiến chủ đầu tư và đơn vị thi công không dám triển khai vì sợ làm rồi thì xe chạy lại hỏng.

Vị lãnh đạo cho biết, sau khi Báo điện tử VTC News phản ánh thì chính quyền và cơ quan chức năng mới có quyết định tạm dừng khai thác tại khu vực mỏ nói trên nên đơn vị mới quyết định bàn giao mặt bằng trở lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh tiếp tục triển khai dự án và sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và kết nối giữa các vùng trong địa phương nhằm thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội.

Khi UBND huyện Phong Điền quyết định cấp kinh phí xây dựng, mở rộng tuyến đường thì lại phải tạm dừng do ảnh hưởng từ hoạt động vận chuyển khai thác đất từ mỏ của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Trước đó, VTC News có loạt bài điều tra phản ánh hành vi chiếm đất để khai thác khoáng sản sai phép của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 tại khu vực Phường Hóp (xã Phong An). 

Theo đó, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực Phường Hóp (xã Phong An, huyện Phong Điền) để phục vụ cho Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn; Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài; Dự án Chương trình phát triển các Đô thị loại II (Đô thị xanh) và các dự án khác có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước tại Thừa Thiên - Huế theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 63/GP-UBND ngày 3/11/2022.

Diện tích khai thác trong giấy phép là 8,93 hecta và thời hạn khai thác là 2 năm (kể từ ngày ký) với trữ lượng địa chất thể tự nhiên được phê duyệt là 1.160.742 m3. Công suất khai thác năm thứ nhất là 550.000 m3/năm và năm thứ 2 là 547.531 m3/năm.

Trong giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp cho Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 cũng nêu rõ: "Trước khi thực hiện khai thác, phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra tại thực địa, xác định toạ độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khai thác.

Rất nhiều hecta rừng ở khu vực Phường Hóp (xã Phong An) bị Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 đào bới tan hoang để khai thác đất sai phép. (Ảnh: Quốc Cường).

Trong khu vực mỏ phải cắm một mốc cao độ với cosd = +10m để cơ quan chức năng giám sát độ sâu khai thác. Phải thực hiện lập thủ tục thuê đất trước khi tiến hành khai thác và các quy định liên quan khác theo quy định của pháp luật".

Giấy phép quy định là vậy, mặc dù chưa được cho thuê đất nhưng Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 tự ý thực hiện khai thác tại khu vực mỏ đất tại thôn Phường Hóp (xã Phong An) trong suốt thời gian dài với lượng đất khổng lồ bị bới đi.

Ghi nhận sáng 29/8 cho thấy ở diện tích đất rộng khoảng hơn 8 hecta bị doanh nghiệp này đào bới tan hoang để lấy đất với những vị trí sâu cách mặt đất trên 20 m. Tại công trường, hai chiếc máy xúc đang miệt mài múc đất để chất đầy lên hàng chục xe tải (chủ yếu là loại cỡ lớn, chở được trên 18 khối đất) để chở ra ngoài phục vụ nhu cầu san lấp tại một số công trình tại Thừa Thiên - Huế.

Người dân sống gần khu vực mỏ cho biết, việc khai thác sai phép này diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn. Mãi đến khi có sự vào cuộc của VTC News thì các ngành chức năng mới có động thái ngăn chặn hành vi sai phạm của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5.

Hoạt động khai thác sai phép của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 là công khai và diễn ra suốt thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương và ngành chức năng Thừa Thiên - Huế phát hiện xử lý.

Lãnh đạo Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế và Phòng TN&MT huyện Phong Điền đều khẳng định, việc Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 khai thác đất ở khu vực thôn Phường Hóp (xã Phong An) là hành vi “chiếm đất” và khai thác khoáng sản là sai quy định.

Khi được hỏi về trách nhiệm quản lý tài nguyên thì cả hai đơn vị này đều khẳng định không biết hoạt động khai thác sai phép kể trên với lý do nhân sự mỏng và không nhận được thông tin phản ánh từ chính quyền xã Phong An và đùn đẩy trách nhiệm cho chính quyền xã.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đôn – Phó Chủ tịch UBND xã Phong An cho rằng, hoạt động khai thác đất tại khu vực Phường Hóp của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 là công khai và diễn ra từ năm 2014 cho đến nay và hoạt động khai thác khá rầm rộ, công khai và việc cơ quan chức năng cấp trên nói không biết là “vô lý”.

Lãnh đạo UBND xã Phong An còn đưa ra dẫn chứng là ngày 3/8/2023 (cách thời điểm VTC News thực hiện tuyến bài điều tra sai phạm của doanh nghiệp gần 1 tháng) đơn vị còn phối hợp với Phòng TN&MT huyện Phong Điền; Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5; Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng và Khoáng sản Dico và đại diện thôn Phường Hóp kiểm tra, kiến nghị của cử tri liên quan đến độ sâu khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực Phường Hóp của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5.

Vị lãnh đạo UBND xã Phong An thừa nhận, lâu nay đơn vị không có động thái ngăn chặn hoạt động khai thác đất của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 tại khu vực Phường Hóp là đúng quy định và đã đầy đủ thủ tục. Khi báo chí phản ánh thì chính quyền mới biết hoạt động khai thác đất của doanh nghiệp là sai phép.

Năm 2020 Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 từng bị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt 120.000.000 đồng về hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn với diện tích chiếm từ 1 hecta trở lên trong hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực Phường Hóp (xã Phong An).

Ngoài bị xử phạt doanh nghiệp này buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm với số tiền là 422.896.000 đồng và buộc phải thực hiện thuê đất theo quy định. Sai phạm của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 cũng được Thanh tra Chính phủ nhắc đến trong Kết luận số 1782/KL-TTCP ngày 4/8/2023.

Thế nhưng, khi chưa thực hiện thuê đất theo quy định thì hành vi vi phạm của doanh nghiệp này lại tái diễn cho đến khi được VTC News phanh phui trong tuyến bài điều tra khởi đăng từ ngày 29/8.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới