Chiều nay (12/3), sau một tuần xét xử tại trụ sở TAND tỉnh Phú Thọ, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên án phúc thẩm với hơn 80 người có kháng cáo và bị kháng nghị trong vụ án đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ đồng.
Các bị cáo ở giai đoạn một vụ án. (Ảnh: Giang Huy)
Nhà chức trách xác định đường dây cờ bạc trực tuyến vận hành từ giữa năm 2015 với tên Rickvip/TipClup do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch CNC), Hoàng Thành Trung (hiện bỏ trốn) lập nên.
Đường dây có sự bảo kê của hai cựu tướng công an là Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh Sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao).
92 người bị xét xử ở giai đoạn một phải nhận án từ phạt tiền 40 triệu đồng tới phạt tù 10 năm. Trừ Lê Thị Lan Thanh kêu oan (thừa nhận hành vi, xin xét lại tội Tổ chức đánh bạc), 91 người còn lại đều nhận tội.
36 bị cáo chống án nhưng chủ yếu xin giảm nhẹ hình phạt hoặc hưởng án treo. Bốn người đứng đầu vụ án là Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương không ai kháng cáo.
Bản án sơ thẩm vấp phải kháng nghị của VKS cùng cấp song chỉ liên quan việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tiền bồi thường với 43 người. Theo đó, VKS đề nghị giảm hình phạt cho 16 bị cáo; chấp nhận ba nội dung kháng nghị của VKS cấp sơ thẩm: không áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội có tổ chức" với các bị cáo, áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự nguyện khắc phục hậu quả" cho những người nộp tiền, không thu tiền đánh bạc của người phạm tội Đánh bạc.
Video: Phan Sào Nam gọi biến cố vi phạm pháp luật của mình là may mắn trong cuộc đời
Trùm cờ bạc hưởng 5.000 tỷ đồng, người chơi sạch túi
Nhà chức trách cho rằng tổng số tiền được nạp vào hệ thống game bài Rikvip, 23Zdo, Zon/Pen khoảng 10.000 tỷ đồng (chưa có dữ liệu từ ngày 24/6/2017 đến ngày 29/8/2017).
Trong phiên tòa sơ thẩm, 43 con bạc đều khai bị thua là chủ yếu. Thấy game bài quảng cáo công khai, họ tò mò đăng ký tài khoản với mục đích giải trí. Ban đầu, người chơi thường thắng nên ham, khi thua thì muốn gỡ và phải bán nhà, tài sản, vay mượn tiền.
Hơn 27 tháng hoạt động, mạng lưới đánh bạc trực tuyến đã "vươn vòi" tại hơn 20 địa phương với 25 đại lý cấp một, 6.000 đại lý cấp hai, thu hút tới 43 triệu tài khoản chơi mang về lợi nhuận gần 5.000 tỷ đồng cho những người tổ chức.
Trong đó, Phan Sào Nam nhận gần 1.500 tỷ đồng, Nguyễn Văn Dương bỏ túi hơn 1.650 tỷ đồng, nhóm Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) được chia hơn 1.570 tỷ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, riêng hai ngày 8-9/8/2016, có hơn 500 tài khoản người chơi đủ dấu hiệu cấu thành tội Đánh bạc. Do hạn chế bởi thời hạn điều tra, các cơ quan tố tụng hình sự tỉnh Phú Thọ mới khởi tố 105 bị can, trong đó 12 bị can trốn, truy nã chưa có kết quả, một người mắc bệnh hiểm nghèo nên tách ra, khi nào đủ điều kiện sẽ xử lý sau.
Kết quả, 92 người phải hầu toà. Những trường hợp khác có đủ dấu hiệu phạm tội sẽ bị xem xét, xử lý trong giai đoạn hai của vụ án.
Kỷ lục thu hồi tiền bất chính
Ông Lê Xuân Lộc, đại diện VKS trực tiếp tham gia vụ án từ điều tra đến xét xử, cho hay trong lịch sử tố tụng của Phú Thọ chưa bao giờ có vụ án nào thu hồi tiền được nhiều và nhanh đến vậy.
Trong một ngày Nam khai hết tiền giấu ở đâu nhưng mất bảy ngày cơ quan điều tra mới xác định điều đó có thật hay không. Nam khai ngoài 3,5 triệu USD gửi ở ngân hàng nước ngoài còn chuyển 236 tỷ đồng cho người thân để gửi tiết kiệm, mua bất động sản; gửi tiền nhiều nơi dưới dạng sổ tiết kiệm, vàng, tiền mặt, ngoại tệ...
Thùng đựng tiền của Phan Sào Nam.
Số tiền lớn Nam khai giấu ở nhà bạn ở Quảng Ninh, ban đầu cơ quan điều tra còn chưa tin vì sao có thể để hớ hênh như thế. Dẫn các trinh sát tới nơi, gia chủ lúc này mới hay hai thùng đồ Nam gửi nhờ chính là thùng tiền. Trong nhà kho không có khóa cửa, ở xó nhà có hai thùng (cao 80 cm, dài hơn 2 m, rộng 80 cm) được che bạt. Cậy nắp thùng, bên trong chất các cọc tiền cao tới 40 cm.
"Phải 10 người mới khiêng nổi hai thùng đó ra xe, chở đến ngân hàng", một điều tra viên kể. Phan Sào Nam ngay sau đó được đưa ra ngân hàng để chứng kiến kiểm đếm. Từ 17h30 đến 22h30, 7 máy đếm tiền hoạt động hết công suất mới kiểm đếm xong, tổng cộng 147 tỷ đồng.
Nam khai gửi khoảng 300 tỷ đồng tại nhà một người bạn ở TP.HCM, nhưng khi cơ quan tố tụng xác minh thì số tiền lên tới 375 tỷ đồng.
Tổng cộng, Phan Sào Nam đã nộp hơn 1.300 tỷ đồng cả tiền mặt và tài sản, đạt hơn 90%. Nguyễn Văn Dương nộp hơn 200 tỷ đồng trong số tiền gần 1.700 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ game bạc.
Hơn một triệu trang hồ sơ
Vụ án bị phát giác từ giữa năm 2017 khi phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn tố cáo của bà Võ Minh Phương về việc bị lừa 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng qua Facebook.
Quá trình điều tra vụ án lừa đảo này, nhà chức trách đã phát hiện một game bài hoạt động công khai, thanh toán công khai, chơi công khai tưởng như được cấp phép. Đơn vị vận hành mạng lưới này là Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương - công ty bình phong của Cục C50, có trụ sở ngay tại Tổng cục Cảnh sát ở số 10 phố Hồ Giám, Hà Nội.
Nguyễn Văn Dương bị tòa sơ thẩm phạt 10 năm tù. (Ảnh: Giang Huy)
Công an tỉnh Phú Thọ cho hay khi khám xét trụ sở của CNC, các trinh sát phải làm liên tục từ chiều 30/8/2017 tới 3h sáng hôm sau trong sự thách thức của nhiều nghi phạm.
"Một nữ lãnh đạo CNC không hợp tác, bảo: Các anh là công an địa phương mà dám lên khám công ty của Bộ. Dương cũng gọi điện cầu cứu nhiều người thân quen", một điều tra viên nói.
Thấy công an đọc lệnh bắt một cấp dưới, Dương nói: "Cứ yên tâm còn anh ở đây". Khi biết mình bị bắt, Dương gọi điện thoại ngay cho cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa "mách" việc CNC đang bị khám xét.
Lúc đó, ông Hóa yêu cầu được nói chuyện với lãnh đạo ban chuyên án. Và khi biết không thể xoay chuyển được tình thế, Dương mới chịu tra tay vào còng số 8.
Một điều tra viên cho biết vụ án có tới hơn một triệu bút lục giấy, trong đó giai đoạn một với hơn 400.000 bút lục. "Đó là chưa tính dữ liệu điện tử hơn 300 GB. Nếu in ra giấy thì phải dùng hai máy photocopy mua mới sử dụng xong hỏng luôn", thành viên ban chuyên án chia sẻ.
Những ngày cán bộ xét xử nghiên cứu tài liệu, tại TAND tỉnh Phú Thọ, hồ sơ được chất đầy trong 7 chiếc tủ sắt cao khoảng 2 mét.
Những chiếc tủ chứa hồ sơ vụ án được bảo vệ cẩn thận tại TAND Phú Thọ. (Ảnh: Phạm Dự)
Được Bộ Công an cho thành lập công ty bình phong, cuối năm 2011, ông Nguyễn Thanh Hóa khi đó là Cục trưởng C50 ký ghi nhớ hợp tác với công ty CNC do Nguyễn Văn Dương vừa thành lập.
Dưới danh nghĩa công ty nghiệp vụ của công an, Dương nhiều lần xin cục trưởng Hóa và Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh cho thử nghiệm game đánh bạc trực tuyến. Dù chưa được cho phép, giữa năm 2015 game đánh bạc đã được Dương, Nam cho vận hành.
Năm 2015-2017, ông Vĩnh, Hóa biết game đánh bạc hoạt động trái phép nhưng vẫn làm ngơ. Thậm chí, họ còn xin cho game được cấp phép nhưng không thành. Trong hai năm vận hành, đường dây có doanh thu bất chính lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Ngày 30/11, sau phiên tòa kéo dài 13 ngày, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt Dương 10 năm tù, Nam 5 năm tù về hai tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền. Bị cáo Vĩnh án 9 năm, Hóa 10 năm về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nộp phạt mỗi người 100 triệu đồng.
88 bị cáo còn lại nhận hình phạt từ 40 triệu đồng đến ba năm tù về các tội: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.