Mặt đường sụt lún, nứt toác chỉ sau trận mưa
Như VTC News phản ánh, gần đây, nhiều người đi trên tuyến đường dẫn lên cầu Bà Ngôn (xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) cảm thấy bất an khi mặt đường bị sạt lở ở taluy âm (bên phải, theo hướng Tam Kỳ - hồ Phú Ninh).
Đường dẫn lên cầu vượt cao tốc 34.500 tỷ sụt lún, nứt toác chỉ sau trận mưa.
Theo quan sát của phóng viên, nguyên một đoạn đường kéo dài gần 40m bị nứt toác, để lộ khoảng trống rộng khoảng nửa mét. Vị trí xảy ra sụt lún, sạt lở nằm gần sát mép chân cầu Bà Ngôn – cây cầu vượt đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Tuyến đường này mới hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ năm 2018.
“Trải qua trận mưa kéo dài từ những ngày cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, tình trạng sạt lở trên đường dẫn lên cầu vượt bắt đầu nghiêm trọng hơn. Hiện tại, mặt đường hư hỏng chẳng khác nào cái bẫy, tiềm ẩn nguy hiểm chờ chực người đi đường”, một người dân thôn Trung Đàn (xã Tam Đại) nói.
Trước thực trạng trên, dư luận lại một lần nữa đặt ra nghi vấn về chất lượng của công trình có số vốn đầu tư lên đến gần 35.000 tỷ đồng này.
Sau khi báo chí phản ánh, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, vừa có báo cáo cho biết, đường dẫn lên cầu Bà Ngôn là hạng mục thuộc gói thầu A1 do Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte thi công.
Đến nay, phần đường dẫn đầu cầu mố A1 và phần cầu chính cầu Bà Ngôn được thi công xong.
Đoạn sụt lún, sạt lở kéo dài.
Về nguyên nhân khiến đường dẫn nứt toác, sụt lún, VEC cho hay, cầu mố A2 được đắp cao 6m, chưa hoàn thiện các hạng mục do người dân tại thôn Trung Đàn (xã Tam Đại) cản trở, không cho thi công.
“Việc chưa hoàn thiện mái taluy, xây đá hộc kè mái taluy và tứ nón chân khay của đoạn đường dẫn đầu cầu mố A2 cầu Bà Ngôn là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún đường dẫn lên cầu Bà Ngôn (bên phải tuyến). Trong suốt quá trình thi công đắp nền đường dẫn hai đầu cầu, nhà thầu thường xuyên bị các hộ dân cản trở thi công. Nguyên nhân là người dân cho rằng việc giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng của huyện Phú Ninh chưa thỏa đáng”, VEC lý giải.
Không thể đổ lỗi do dân cản trở
Sau khi nhận được phản ánh về hiện tượng sụt trượt tại đường dẫn lên cầu Bà Ngôn, VEC lắp đặt biển báo nguy hiểm, khoanh vùng nguy hiểm bằng dây phản quang để cảnh báo các phương tiện giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực này. Với các vết nứt, VEC cũng yêu cầu nhà thầu xử lý.
VEC giăng dây cảnh báo cho người đi đường.
Ông Phan Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Tam Đại, cho biết, trước đây địa phương ghi nhận tình trạng sạt lở ở taluy âm dẫn lên cầu Bà Ngôn và làm đơn đề nghị VEC làm kè đá, khắc phục điểm sạt lở. Tuy nhiên, trận mưa kéo dài trong vài ngày (từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11) khiến tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn.
Ngày 7/11, ông Nguyễn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, cho hay, mặt bằng tại khu vực dẫn lên cầu vượt cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được địa phương bàn giao cho Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và đơn vị này cũng thực hiện thi công.
“Trong quá trình thi công, Ban quản lý dự án có kiến nghị về việc một số hộ dân ngăn cản. Trước đây, lực lượng an ninh của tỉnh, huyện và xã bảo vệ cho họ thi công tại khu vực này. Đơn vị cũng thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng cho đến thời điểm bị sụt lún”, ông Đạo nói.
Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch huyện quả quyết, tình trạng hư hỏng xuất hiện là do chất lượng công trình, không thể đổ lỗi do dân bởi lẽ vào thời điểm thi công, dân không hề ngăn cản và cũng không có chuyện vướng mặt bằng.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào khai thác toàn tuyến vào ngày 2/9/2018. Dự án có tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng do VEC làm chủ đầu tư.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h (đoạn đặc biệt khó khăn 100km/h), chiều rộng nền đường 24,25m, chiều rộng mặt đường 22,25m.