Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đầu năm 2022, các quân nhân thuộc lực lượng không quân Mỹ vẫn giữ liên lạc thường xuyên qua điện thoại với đối tác Ukraine, thảo luận về giải pháp đối phó với lực lượng Nga và cách sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất.
Theo đánh giá của Mỹ, cả Moskva và Kiev đều có các hệ thống phòng không hiệu quả ngăn chặn đối phương kiểm soát bầu trời. Mặc dù không quân quân Ukraine liên tục nhận được vũ khí do Mỹ sản xuất, cho phép họ có thể tấn công vào các mục tiêu có giá trị của Nga, Moskva vẫn có nhiều lợi thế trên không hơn so với Kiev.
Phi công Mỹ ngồi ở ghế sau máy bay Su-27 của Ukraine trong cuộc tập trận Safe Skies tháng 7/2011. (Ảnh: Không quân Mỹ)
Những cuộc trao đổi diễn ra thường xuyên suốt hơn 1 năm qua
Trung tướng Michael Loh, Giám đốc Lực lượng Không quân thuộc Vệ binh Quốc gia Mỹ cho biết, khi nhận được vũ khí do Washington cung cấp, Kiev cũng nhận được các hỗ trợ liên quan về cách thức vận hành chúng để đối phó hiệu quả với lực lượng Nga.
Ban đầu hai bên thảo luận về những gì cần làm để binh sỹ Ukraine có thể sống sót sau cuộc tấn công ban đầu, sau đó họ thảo luận về cách phát huy sức mạnh không quân, ông Loh cho biết tại một hội nghị của Hiệp hội Lực lượng Hàng không và Vũ trụ hôm 8/3.
Phần lớn sự hỗ trợ đến từ Lực lượng Vệ binh Quốc gia California, lực lượng đã làm việc với Ukraine từ năm 1993 theo Chương trình Đối tác Nhà nước của Lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Mối quan hệ đó đã “cho phép một người lính Ukraine có thể gọi điện thoại trực tiếp với người đã huấn luyện mình để trao đổi về vấn đề mà anh ta gặp với hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp. Qua những cuộc điện thoại như vậy, các vấn đề phát sinh trên thực địa có thể được giải quyết nhanh chóng”.
Các phi công Mỹ đã khuyến nghị phi công Ukraine triển khai tác chiến nhanh và sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất, bao gồm AGM-88, một tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM) mà Washington chuyển cho Kiev năm 2022 để nhắm vào radar của Nga, hay việc sử dụng các bộ chuyển đổi JDAM nhằm biến loại bom rơi tự do (bom ngu) thành bom thông minh và cải thiện độ chính xác.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục hướng dẫn họ các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình tác chiến nhanh, cách thức sử dụng các hệ thống vũ khí mới mà báo chí nhắc đến gần đây – chẳng hạn như JDAM. Trước đó, chúng tôi cũng hướng dẫn họ sử dụng tên lửa HARM. Việc trao đổi qua lại giữa 2 bên vẫn diễn ra liên tục trong suốt 13 tháng xung đột”, ông Loh nói.
Nga vẫn chiếm ưu thế
Dù vậy, Không quân Ukraine vẫn phải đối mặt với môi trường hoạt động khắc nghiệt. Để đối phó với máy bay Nga và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng trước các cuộc tập kích tên lửa và UAV của Moskva, Ukraine sử dụng từ các khẩu pháo thời Chiến tranh Lạnh đến tên lửa dẫn đường phức tạp hơn do phương Tây cung cấp.
Mặt khác, lực lượng Nga được trang bị các hệ thống phòng không hiệu quả cao. Kết hợp với cảm biến tầm xa và tên lửa phóng từ trên không, đó vẫn là yếu tố khiến máy bay Ukraine khó có thể hoạt động hiệu quả gần tiền tuyến.
Máy bay MiG-29 của Ukraine được trang bị tên lửa AGM-88 do Mỹ sản xuất. (Ảnh: Không quân Ukraine)
Tướng James Hecker, người đứng đầu Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu Mỹ ước tính, khoảng 60 máy bay của Ukraine đã bị Nga bắn hạ, trong khi con số này của phía Nga là 70.
“Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của cả hai nước, đều rất hiệu quả, đặc biệt là trong việc đối phó với máy bay. Đó là lý do tại sao họ không bay qua lãnh thổ của nhau”, ông Hecker đánh giá.
Ukraine chỉ có thể thực hiện một số ít cuộc không kích nhằm vào các lực lượng Nga, và thường tấn công vào các mục tiêu ở phía sau phòng tuyến của Nga bằng máy bay không người lái (UAV).
Theo ông Hecker, các tên lửa HARM do Mỹ sản xuất, loại vũ khí mà các kỹ sư Mỹ đã cố gắng điều chỉnh để sử dụng trên máy bay MiG-29 và Su-27 của Ukraine chỉ trong vòng 2 tháng, đã giúp tấn công các mục tiêu cố định, như hệ thống phòng không của đối phương.
“Chúng tôi đã chuyển cho họ một số loại đạn chính xác có tầm bắn mở rộng và xa hơn một chút so với bom thả bằng trọng lực”, ông Hecker nói, đề cập tới bộ chuyển đổi JDAM.
Với khả năng hiện tại, lực lượng không quân Ukraine có thể thực hiện “vài cuộc tấn công mỗi ngày” ở phạm vi “xa hơn một chút so với tầm bắn của HIMARS, nhưng thực tế “không có sự khác biệt lớn”, ông Hecker thừa nhận.
Trong khi cuộc thảo luận về viện trợ quân sự trong tương lai của phương Tây dành cho Ukraine tập trung vào máy bay chiến đấu, các quan chức và chuyên gia cho rằng pháo binh và vũ khí phòng không vẫn là ưu tiên cao nhất trước khi giao tranh tăng cường độ trở lại vào mùa xuân và mùa hè.
Các cuộc không kích thường xuyên của Nga đã làm cạn kiệt nguồn tên lửa đánh chặn của Ukraine. Ông Hecker cho biết thêm, các quốc gia tại cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine hồi tháng 1/2023 đã cam kết cung cấp tên lửa loại này và tình hình của Ukraine đã được cải thiện.