Hãng tin Sputnik mới đây cung cấp thông tin mới về hiệu suất của loại tên lửa được đánh giá là hiện đại bậc nhất trong biên chế của không quân Nga hiện nay và đang được sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine: Tên lửa không đối không tầm xa R-37M.
Các nguồn tin từ phía quân đội Ukraine và phương Tây đánh giá R-37M là một trong những vũ khí nguy hiểm được Nga sử dụng kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu (24/2/2022).
Cũng theo Sputnik, tên lửa R-37M được thiết kế để trang bị cho các tiêm kích đánh chặn siêu âm tầm xa MiG-31BM và MiG-31BSM của không quân Nga. Cho đến nay, MiG-31 là loại chiến đấu cơ lớn nhất thế giới được chế tạo cho mục đích không chiến và được trang bị số lượng cảm biến nhiều hơn bất kỳ máy bay chiến đấu đánh chặn nào trên thế giới.
Tiêm kích Su-35 phóng một tên lửa không đối không R-37M trong một video giới thiệu về lực lượng không quân Nga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Thiết kế của MiG-31 rất thích hợp để mang các loại vũ khí tầm xa như R-37M, Sputnik cho biết.
Tên lửa R-37M gần đây đã được sử dụng để trang bị cho các phi đội tiêm kích Su-35 và Su-57 của không quân Nga, mặc dù khả năng mang vũ khí và độ cao bắn tối đa của những máy bay này đều thấp hơn đáng kể so với MiG-31.
Bản thân tên lửa R-37M được đánh giá cao nhờ tầm bắn rất xa, lên tới hơn 300 km, đầu đạn lớn 60 kg và có tốc độ Mach 6 (hơn 7.100 km/h). Điều này đã mang lại lợi thế lớn hơn cho tên lửa Nga so với tên lửa không đối không hàng đầu hiện nay của không quân Mỹ là AIM-120D (tầm bắn chỉ lớn hơn 160 km), mặc dù tên lửa của Mỹ nhỏ hơn và phù hợp hơn với cỡ máy bay chiến đấu.
Liên quan đến các hoạt động của R-37M ở Ukraine, một nguồn tin giấu tên được Sputnik trích dẫn cho biết: “Tên lửa R-37M đã thể hiện hiệu quả cao nhất trong chiến dịch quân sự đặc biệt, với xác suất tiêu diệt mục tiêu gần như đạt 100%”.
Nguồn tin này cũng khẳng định khả năng tiêu diệt mục tiêu rất đa dạng của tên lửa R-37M đã bắn hạ máy bay chiến đấu của Ukraine như Su-27 và MiG-29, cường kích Su-25, tiêm kích bom Su-24M, máy bay trực thăng và nhiều loại máy bay không người lái, bao gồm cả UAV Bayraktars.
Các nguồn tin phương Tây đã nhấn mạnh về sự xuất hiện của R-37M trên chiến trường kể từ tháng 11/2022, thời điểm đánh dấu màn ra mắt chiến đấu của MiG-31 trong vai trò không đối không. Nhưng có lẽ đáng chú ý hơn cả là sự xuất hiện của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57.
Mặc dù chỉ có 10 chiếc Su-57 hiện đang phục vụ trong không quân Nga, nhưng lớp máy bay chiến đấu này đã được triển khai nhiều vai trò hơn bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác cùng thế hệ. Nó cũng là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất từng tham gia một cuộc chiến lớn - cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố IS.
Tên lửa không đối không tầm xa RVV-BD, một phiên bản xuất khẩu của R-37M. (Ảnh: Sputnik)
Ban đầu, Su-57 được báo cáo là tham gia các nhiệm vụ tấn công và trấn áp phòng không, với trang bị là tên lửa hành trình Kh-59MK2 và Kh-31. Sau đó xuất hiện các báo cáo vào tháng 10/2022 cho rằng loại máy bay này đã tham gia các hoạt động không chiến, cụ thể một tiêm kích Su-27 của Ukraine đã bị Su-57 bắn hạ ở cự ly lên tới 217 km sau khi thực hiện cuộc tấn công vào khu vực Belgorod của Nga. Và để tiêu diệt được mục tiêu với khoảng cách trên 200 km như vậy thì chỉ có thể là tên lửa R-37M.
Tờ Conversation của Anh cũng đưa tin vào giữa tháng 2/2023 rằng: “MiG-31 và Su-57 của Nga được trang bị tên lửa siêu thanh tầm xa R-37M đã giao chiến với máy bay Ukraine ở cự ly hơn 200 km tính từ vùng an toàn của không phận Nga”.
Conversation nói rõ hơn về cách thức máy bay chiến đấu Su-57 của Nga đóng góp vào các hoạt động phòng không thế nào. Điều này càng khẳng định tên lửa R-37M khi kết hợp với các máy bay chiến đấu hiện đại của không quân Nga sẽ là thứ vũ khí rất nguy hiểm đối với phương Tây.