"Việc gia hạn sau thời điểm cuối năm 2023 là chưa thể biết trước", Bộ Quốc phòng Đức thông tin, đồng thời cho biết một số hệ thống Patriot của Đức cần được sử dụng bởi lực lượng phản ứng nhanh của NATO vào năm 2024, trong khi số khác phải được bảo trì.
Từ đầu năm nay, cùng với 3 hệ thống phòng không Patriot, khoảng 300 binh sĩ Đức cũng đã đồn trú tại thị trấn Zamosc của Ba Lan - cách biên giới Ukraine khoảng 50 km, để bảo vệ thị trấn phía nam và tuyến đường sắt quan trọng của Ba Lan với Ukraine.
Hệ thống phòng không Patriot của Đức. (Ảnh: Reuters)
Quyết định triển khai khí tài và quân của Đức đến Ba Lan được kích hoạt sau khi tên lửa Ukraine đi lạc, tấn công ngôi làng Przewodow của Ba Lan trong khu vực vào tháng 11 năm ngoái. Sự cố này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột Ukraine có thể lan sang các nước khác.
Trong chuyến thăm Zamosc vào tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius không trả lời ngay lập tức yêu cầu của người đồng cấp Ba Lan về việc gia hạn việc đặt hệ thống Patriot ở nước này.
Berlin và Warsaw bất đồng về loạt chủ đề, từ việc chuyển giao vũ khí cho Kiev đến thỏa thuận di cư của EU bị Ba Lan từ chối.
Các hệ thống phòng không trên mặt đất như Patriot của tập đoàn quốc phòng Raytheon được chế tạo để đánh chặn các tên lửa đang bay tới. Tuy nhiên, hệ thống này đang bị thiếu hụt trên khắp NATO do nhiều thành viên giảm số lượng các đơn vị phòng không sau Chiến tranh Lạnh.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các thành viên NATO tăng cường lấp đầy khoảng trống kho vũ khí, đồng thời cung cấp cho Kiev các hệ thống phòng không để ngăn chặn các cuộc tấn công của Moskva.