Việc liên kết ngành công nghiệp quốc phòng giữa các nước châu Âu không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Trường hợp điển hình mới đây nhất là sự bế tắc của Đức và Ba Lan trong việc thành lập một trung tâm bảo dưỡng xe tăng mới.
Sau một loạt các cuộc đàm phán không thành công, Berlin đã quyết định từ bỏ xây dựng trung tâm bảo trì xe tăng trên lãnh thổ Ba Lan. Thay vào đó, nhiệm vụ sửa chữa các xe tăng Leopard 2 bị hư hại trong cuộc xung đột Ukraine sẽ giao cho Đức, có thể với sự hỗ trợ của Litva, nơi đã có một trung tâm bảo trì đang hoạt động.
Thông tin này đến trực tiếp từ người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức. Theo tuyên bố của họ, hầu hết các xe tăng bị hư hỏng sẽ được sửa chữa ở Đức. Điều này có nghĩa là những chiếc Leopard sẽ phải thực hiện hành trình ít nhất 650km từ Ukraine đến Đức, khoảng cách đó còn có thể sẽ lớn hơn do thực tế phải di chuyển bằng đường bộ.
Kế hoạch ban đầu là thành lập một trung tâm bảo trì chung ở Ba Lan, một động thái sẽ cắt giảm đáng kể khoảng cách di chuyển và chi phí hậu cần liên quan. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã gặp trở ngại do sự khác biệt được cho là giữa chi phí sửa chữa dự kiến và giá thị trường thực tế.
“Xe tăng Leopard 2A5 và Leopard 2A6 sẽ được sửa chữa tại Đức và nhiều khả năng là ở Litva”, đại diện Bộ Quốc phòng Đức xác nhận. Xe tăng Leopard đã được cả Đức và Ba Lan cung cấp cho Kiev. Đức cung cấp khoảng 20 xe tăng Leopard 2A6 trong khi Ba Lan bàn giao các xe tăng Leopard 2A4 cũ hơn.
Trong chuyến thăm gần đây tới Ba Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Vladimir Pistorius đã thúc đẩy một giải pháp trong vòng 10 ngày, gợi ý về khả năng tìm một địa điểm để sửa chữa xe tăng Leopard tại Ba Lan. Các cuộc đàm phán có sự tham gia của nhiều công ty Đức và Ba Lan, cũng như các đại diện của chính phủ, tuy nhiên có nhiều bất đồng nảy sinh giữa các bên.
Mặc dù ý tưởng về một trung tâm bảo trì chung hiện đã bị loại bỏ, nhưng việc phối hợp bảo dưỡng xe tăng Leopard 2 giữa Ba Lan và Đức vẫn đang được thảo luận. Theo người phát ngôn, công việc bảo dưỡng xe tăng Leopard có thể bắt đầu bất cứ lúc nào dựa trên nhu cầu của Ukraine. Trong khi đó, các cuộc thảo luận về việc bảo dưỡng xe tăng Leopard 2A4 vẫn đang được tiến hành.
Xe tăng Leopard của Ukraine
Chi phí là rào cản lớn
Theo bài báo ngày 3/7 trên Bulgarian Military, cuộc chiến giằng co giữa Ba Lan và Đức về cả mức giá lẫn vấn đề trung tâm sửa chữa. Mấu chốt của sự bất đồng nằm ở cơ cấu giá cả. Ước tính của Đức để sữa chữa một chiếc xe tăng là 12.000 euro, trong khi đối tác Ba Lan yêu cầu con số khổng lồ 100.000 euro (109.000 USD) cho các quy trình tương tự. Thêm vào sự căng thẳng là vấn đề thiếu hụt phụ tùng thay thế từ Đức.
Vấn đề tài chính này được phân tích trên tờ Spiegel của Đức. Phương tiện truyền thông của Đức đã chỉ trích Ba Lan, cáo buộc họ đòi phí dịch vụ “cắt cổ” mà không có bất kỳ sự đảm bảo nào về một kết quả khả quan. Báo cáo tiết lộ thêm rằng các công ty Krauss-Maffei Wegmann và Rheinmetall của Đức, Polska Grupa Zbrojeniowa từ phía Ba Lan, đang có mâu thuẫn về vấn đề chi phí.
Nhưng đó không chỉ là về tiền bạc. Ukraine cũng cho biết họ cũng đang gặp khó khăn với một số vấn đề do Đức và Ba Lan nêu ra. Cụ thể là Đức thừa nhận thiếu phụ tùng sữa chữa, trong khi Ba Lan lại không sẵn sàng hợp tác bảo hành sửa chữa do bất đồng về chi phí.
Leopard bị phá hủy trên chiến trường Ukraine.
Vấn đề nghiêm trọng hơn
Một số chuyên gia cho biết, có khả năng một trung tâm dịch vụ ở Ba Lan, chuyên bảo dưỡng các phương tiện bọc thép cung cấp cho Ukraine có thể sớm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đối với những chiếc Leopard lại phải cần một hành trình dài hàng nghìn km đến một quốc gia khác để sửa chữa lớn. Tình hình này sẽ là thách thức lớn ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Vấn đề này không chỉ xảy ra với riêng Leopard, mà cả nhiều loại thiết bị khác mà NATO viện trợ cho Ukraine như pháo binh, xe bọc thép... Nếu thông tin liên lạc, hệ thống vận tải, đặc biệt là các cây cầu bắc qua Dnieper bị hư hại, nhiệm vụ duy trì việc tiếp tế của phương Tây cho Ukraine sẽ ngày càng trở nên khó khăn.
Một số chuyên gia quân sự tiết lộ thêm rằng, một vài quốc gia châu Âu khác cũng đang có kế hoạch cung cấp thêm xe tăng Leopard 1, một phiên bản cũ hơn cho Ukraine. Tin tức này cho thấy những thách thức mà các nhà cung cấp xe tăng châu Âu phải đối mặt, những người mà sáu tháng trước đã cam kết cung cấp ít nhất 300 xe tăng cho Ukraine. Trong khi hiện tại, Ukraine thậm chí còn chưa nhận được một nửa số lượng xe tăng như đã được hứa.