Hôm 12/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng các tòa nhà công cộng ở nước này sẽ không được phép đặt hệ thống sưởi trên 19 độ C vào mùa thu và mùa đông trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang bùng phát.
Theo ông Robert Habeck, các quy định tiết kiệm năng lượng mới sẽ được ban hành như một phần của Đạo luật An ninh Năng lượng. Ngoài việc hạ nhiệt độ bể bơi tư nhân đã được công bố trước đó, ông Robert Habeck nói rằng “các tòa nhà công cộng, tất nhiên ngoại trừ bệnh viện và các cơ sở xã hội, chỉ nên được làm nóng đến 19 độ C”.
Lò sưởi điện là mặt hàng bán chạy ở Đức. (Ảnh: DPA)
Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng cho rằng, các tòa nhà và tượng đài tại nước này sẽ không còn được thắp sáng vào ban đêm và các hạn chế đối với quảng cáo được chiếu sáng sẽ được áp dụng.
“Cũng cần tiết kiệm hơn trong môi trường làm việc”, ông Robert Habeck nói, cho biết thêm rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra với các cơ quan chức năng tại Đức.
Trước đó, ông Robert Habeck kêu gọi người dân cắt giảm nhiệt độ sưởi ấm, tắm hơi và tắm vòi sen để giúp đất nước giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Thông báo mới của ông được đưa ra vài ngày sau khi Klaus Mueller - người đứng đầu cơ quan quản lý lưới điện của Đức, kêu gọi các gia đình Đức tiết kiệm ít nhất 20% mức tiêu thụ năng lượng thông thường để tránh tình trạng thiếu khí đốt vào tháng 12.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, thị trường năng lượng khu vực châu Âu và thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến giá cả tăng vọt trong khi các nước tranh giành nguồn cung.
Giá khí đốt đã tăng đáng kể trong năm nay, chủ yếu do các lệnh trừng phạt chống Nga và nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu giảm. Một số thành phố của Đức đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để giảm tiêu thụ năng lượng. Hannover yêu cầu cắt nước nóng trong các tòa nhà công cộng trong khi Duesseldorf có kế hoạch đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đèn LED và hạ nhiệt độ nước trong các bể bơi trong nhà của thành phố xuống 2 độ C.
Đức đã và đang tìm kiếm nguồn cung thay thế trên toàn thế giới để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu sang nước này. Đức là quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.
Hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình Đức dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong những tháng tới, trong khi ngành công nghiệp cũng cảnh báo doanh thu sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng điện.