Kỳ 2: Dưới gốc lộc vừng
Con đường đến khu cắm trại dọc theo suối Lồ Lộ. (Ảnh: Vi Ngọc Hà)
...Mỗi đội được phát một hộp nhựa có tên “hộp sinh tồn” khi đang chèo thuyền trên dòng Rào Nan. Các đội phải mang hộp sinh tồn về điểm tập kết và không được mở ra khi chưa tới nơi. Chúng tôi cũng được nhắc trên dọc đường đi phải chú ý thu gom những túi vải treo những cành cây có đánh số của từng đội.
Trong hộp sinh tồn có một cục pin, một bao thuốc lá, một cuộn giấy vệ sinh, một hộp bao cao su 3 chiếc, một miếng băng vệ sinh phụ nữ, hai chiếc kẹo Doublemint, một chai nước lọc và 1 ống nứa. Còn trong túi vải treo trên cây mỗi đội thu được có một ít gạo và một quả trứng.
500.000 năm trước công nguyên, lửa được tạo ra bằng cách gại vào đá, nó được xem như là cuộc cách mạng đầu tiên của loài người. Nhưng hơn 2000 năm sau công nguyên, lửa được tạo ra theo cách rất khác. Người ta lấy giấy bạc trong bao thuốc lá nối hai cực của cục pin để tạo ra nhiệt dẫn vào miếng băng vệ sinh phụ nữ!
Giữa núi rừng Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, bên con suối Lồ Lộ, đoàn người chinh phục Tú Làn chúng tôi đã tạo ra lửa như vậy. Nó là một trong những thử thách sinh tồn chúng tôi phải vượt qua.
Tôi thấy đội 7 “Thất thần công” tạo ra lửa đầu tiên. Nhưng đội 8 “Siêu nhân người nhện” của tôi mới là đội tạo ra... khói đầu tiên và tới lần thứ 5 lửa mới chịu bén.
Có được lửa, chúng tôi phải luộc trứng nấu cơm. Gạo được dồn vào ống nứa, đổ nước và nướng như cơm lam. Riêng luộc trứng là điều không dễ với những thứ có trong hộp sinh tồn. Ban đầu chúng tôi luộc trứng bằng cách bỏ vào chai nước lọc cắt nửa rồi đặt lên bếp đun. Được một hồi thì luộc thành nướng rồi thành trứng... nổ. Đội số 7 cũng luộc theo phương pháp này và nhận trái đắng tương tự.
Thử thách sinh tồn với những vật dụng "khó nhằn" nhưng trong những hoàn cảnh khó khăn mỗi vật dụng đều có thể giúp chúng ta duy trì sự sống. (Ảnh: Vi Ngọc Hà)
Khi chỉ còn 1 quả trứng duy nhất trong 3 quả có được, chúng tôi mới nhìn ra vai trò thực sự của vật dụng mà nãy giờ chưa dùng đến trong hộp sinh tồn là bao cao su. Ban đầu ai cũng hoài nghi về tính khả thi của việc luộc trứng bằng bao cao su song khi cô gái xinh đẹp Lan Anh liều mình thổi phồng chiếc bao cao su lên, đổ nước và nhét quả trứng vào rồi buộc lại, chúng tôi mới vỡ lẽ.
Sau bữa tối, cạnh con suối Lồ Lộ, tôi nằm duỗi như nàng tiên cá bên đống lửa bập bùng. Vinh ôm đàn guitar gảy cho anh Sang hát cho đến khi trưởng tour Oxalis chĩa cái loa từ trong lán trại ra oang oang thông báo mọi người về tập kết.
Tôi không ngủ được phần vì lều bạt nóng như cái lò thiêu, phần vì những tiếng ngáy trước, sau, bên cạnh cứ thay nhau hợp xướng. Hết cách, tôi phải dậy đi tìm bia làm câu hát ru.
Đêm hôm ấy trời tối mịt, trên cành lộc vừng trước mặt Vinh, chiếc đèn lóe lên màu sáng nhạt, vệt sáng dài sắc như đường kiếm. Đám thiêu thân chờn vờn lúc ẩn lúc hiện, đám cào cào cũng thi nhau bật tanh tách. Sau lưng Vinh là khoảng trống hút sâu không một bóng người, một bóng vật. Chỉ có tiếng cuốc cuốc giọng đầy ai oán, gọi nhức cả núi rừng.
Khu cắm trại đẹp như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. (Ảnh: Vi Ngọc Hà)
Từ trong khoảng không đen đặc, bóng một người đàn ông cao lớn dần hiện ra, bước về phía Vinh, từ từ ngồi xuống nhìn Vinh không chớp mặt. Một lúc sau, người đàn ông lấy từ trong túi ra một vật phát sáng đưa về phía Vinh, giọng nhỏ nhẹ như tan vào sương khói:
- Anh Vinh đánh được nhạc Vũ Thành An không?
- Chắc là được. Nhưng bài gì? – Vinh hỏi lại.
- Bài “Khúc Thụy Du” của Ngô Thụy Miên.
Thế là Vinh nhìn vào chiếc điện thoại người đàn ông vừa đưa ra trước mặt, gẩy lên những phím đàn. Giọng người đàn ông mào lời: “Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa. Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới, ngoài trống vắng mà thôi, Thụy ơi và tình ơi…”
Tôi ngồi đối diện cất lời hát theo: “Như loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm, tôi tìm đời đánh mất trong vũng nước cuộc đời..."
Những người còn lại cũng cất lời: “Đừng bao giờ anh hỏi, vì sao ta yêu nhau..."
Cứ thế, khi bia đã cạn, dưới gốc lộc vừng cuối khu lều bạt, những tiếng hát vẫn vang cả núi rừng. Lúc tôi xin phép về lều đi ngủ, tiếng đàn của Vinh vẫn réo rắt, tiếng những người hát càng về khuya càng rõ.
Mắt tôi nhắm lại, tôi mơ hồ đầu đó: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai vươn hình hài lớn dậy. Ôi cát bụi tuyệt vời. Mặt trời soi một kiếp rong chơi...”
(Còn tiếp…)