Ngày 16/8, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 phải có sự thống nhất với các địa phương khác về việc đưa đón người từ khu vực dịch trở về quê.
Các địa phương cần tổ chức chặt chẽ, an toàn, chu đáo và đặc biệt phải chú ý ưu tiên để đưa, đón phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh và những phụ nữ đang nuôi con nhỏ.
Tại cuộc họp, các chuyên gia bày tỏ lo ngại khi một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin triển khai tại TP.HCM chưa vận hành thông suốt gây tập trung đông người.
Đáng chú ý, hàng nghìn lao động ngoại tỉnh dồn về một số cửa từ TP.HCM đi sang tỉnh khác sau khi thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm một tháng. Một trong những nguyên nhân chính là TP.HCM chưa triển khai đồng bộ, thông tin kịp thời về những chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm bảo đảm mọi người dân, nhất là người lao động ngoại tỉnh đang không có việc làm, được bảo đảm có chỗ ở, được trợ cấp về lương thực, được chăm sóc y tế cần thiết.
Các ý kiến cũng đặt câu hỏi về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát trong nội thành và cho rằng nếu tiếp tục tình trạng như vậy, thành quả chống dịch cũng như nỗ lực chấn chỉnh, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội từ nhiều tuần trước đây của TP.HCM sẽ bị bỏ phí.
Chưa kể những người tự phát rời TP.HCM về các địa phương nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ trở thành những nguồn lây nhiễm mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, chiều 16/8. (Ảnh: Đình Nam)
Thực tế, phần lớn ổ dịch xuất hiện tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều liên quan đến những người đi về từ vùng dịch ở khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Khi kiểm soát được số người về từ các địa phương có dịch thì tình hình ở các tỉnh Tây Nam Bộ diễn biến theo chiều hướng tốt hơn.
Về tiêu chí kiểm soát dịch bệnh ở một tỉnh, thành phố để dừng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các chuyên gia cho rằng cần phân làm 2 nhóm. Thứ nhất là các tỉnh, thành phố chưa phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Thứ hai là các tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trong một thời gian thì Bộ Y tế cần hoàn thiện các tiêu chí cụ thể để địa phương được coi là đã kiểm soát được dịch bệnh. Ví dụ như về số ổ dịch mới phát sinh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây hoặc chưa xác định được ngay tất cả các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm trong một khoảng thời gian; năng lực chuẩn bị và tỷ lệ sử dụng thực tế của các khu thu dung, điều trị F0.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất giao Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương để đưa ra hướng dẫn về các tiêu chí xác định khi nào một tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh và được dừng thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương cùng với Bộ Y tế, các bộ ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ để phát triển những công cụ chống dịch bám sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, thống nhất, thông suốt toàn hệ thống; thuận lợi, dễ sử dụng với người dân; tránh tình trạng cát cứ thông tin, quá nhiều ứng dụng không liên thông, tích hợp.