Mới đây, Al Jazeera đăng tài bài viết về số tiền tài trợ mà các doanh nghiệp toàn cầu mang đến cho World Cup 2022. Theo tờ báo này, không phải Mỹ mà chính Trung Quốc mới đất nước có các doanh nghiệp chi ra số tiền tài trợ cao nhất cho giải đấu năm nay.
Theo GlobalData, một công ty tư vấn và phân tích dữ liệu có trụ sở tại London, các công ty của Trung Quốc đã chi ra tổng số tiền 1,395 tỷ USD cho World Cup 2022. Mức chi của các doanh nghiệp ở Mỹ là 1,1 tỷ USD.
Doanh nghiệp Trung Quốc tài trợ rất nhiều tiền cho World Cup 2022.
Tờ Al Jazeera bình luận: "Sự thống trị của các doanh nghiệp Trung Quốc tại World Cup 2022 cho thấy khát vọng trong việc nâng tầm ảnh hưởng của họ đối với thị trường quốc tế".
Martin Roll, một chuyên gia và tư vấn thương hiệu tại Singapore, phân tích: "Các thương hiệu Trung Quốc đang muốn phát triển ở quy mô toàn cầu. Việc thể hiện tham vọng với người dân Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng. Trở thành nhà tài trợ và đối tác tiếp thị của World Cup chỉ dành cho một số thương hiệu được chọn có đủ khả năng chi trả. Vì vậy chỉ cần trở thành nhà tài trợ World Cup cũng là minh chứng cho khát vọng của các thương hiệu Trung Quốc”.
Còn theo ông Paul Temporal, chuyên gia xây dựng thương hiệu tại Đại học Oxford, tài trợ cho World Cup là cách để các doanh nghiệp Trung Quốc dần tháo gỡ nhận thức tiêu cực về khái niệm "made in China". Việc tài trợ thể thao giúp các thương hiệu này kết nối với khán giả trên toàn thế giới. Trong một giải đấu như World Cup, ranh giới về văn hoá và phạm vi tiếp cận sẽ lớn hơn.
Ông Temporal nhận định: “Các thương hiệu Trung Quốc học được từ các đối tác phương Tây rằng, mặc dù tốn kém để tiếp cận các sự kiện hay nhất thế giới nhưng tài trợ thể thao mang lại kết quả lâu dài cho cả chủ sở hữu thương hiệu và quốc gia. Các thương hiệu vươn ra toàn cầu đóng vai trò là đại sứ cho Trung Quốc. Nếu thành công, họ có thể tác động tích cực đến hình ảnh thương hiệu quốc gia”.
Đội tuyển Trung Quốc không dự World Cup nhưng các công ty lớn của quốc gia này vẫn ghi dấu ấn ở giải đấu.
Tập đoàn Wanda phải chi ra đến 850 triệu USD cho một thoả thuận kéo dài 15 năm với FIFA. Tuy nhiên, số tiền này giúp họ trở thành Đối tác chính thức của FIFA, cũng là cấp tài trợ cao nhất. Wanda sẽ ngang hàng với các thương hiệu toàn cầu như Coca-Cola, Adidas, Hyundai, Kia, Qatar Airways, Qatar Energy và Visa.
Các doanh nghiệp Trung Quốc coi việc một số đối thủ từ bỏ việc tài trợ World Cup là cơ hội của họ. Chiến lược này bắt đầu từ World cup 2018, khi 7 doanh nghiệp Trung Quốc chi ra hơn 800 triệu USD tài trợ cho giải đấu trên đất Nga.
Tài trợ cho thể thao sẽ luôn là phương thức quan trọng để quảng bá cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Trung Quốc có rất nhiều tiền, World Cup là nơi để tối ưu hoá những khoản chi này.