Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp muốn chống hàng giả nhưng vẫn vô tư làm... hàng nhái

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, có một nghịch lý là 90% doanh nghiệp sợ việc sản phẩm của doanh nghiệp mình bị doanh nghiệp khác làm giống, nhưng lại có tới 70% doanh nghiệp khi được hỏi lại trả lời sẵn sàng sao chép kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm của các đơn vị khác.

Tại Hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ", các chuyên gia kinh tế nêu vấn đề, thực trạng hàng giả hiện nay và các biện pháp để khống chế và đẩy lùi nạn hàng giả đang được coi là vấn nạn đau đầu, một loại "ký sinh trùng" đang sống nhờ trên hàng thật hiện nay.

Hàng giả xuất hiện ở mọi mặt của đời sống

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết, vấn nạn hàng giả không chỉ xảy ra ở nước ta mà còn là vấn nạn chung trên thế giới, ngay cả ở những nước phát triển. 

Ở nước ta hiện nay, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp. Người tiêu dùng rất lúng túng trước thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng thật, giả khó lường. Có thể thấy rằng, hàng giả xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, xã hội.

Theo ông Hùng, hàng giả tại Việt Nam xuất hiện tràn lan từ vật tư, máy móc, thiết bị, tiền, văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt là hàng giả có liên quan đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

Toàn cảnh Hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ". 

Về hàng tiêu dùng, các loại hàng giả có giá trị từ thấp như bao diêm, bật lửa, quần áo, giày dép, túi xách, khóa cửa, xe đạp... đến cao như đồng hồ, điện thoại, máy ảnh, ti vi, máy điều hòa, vàng; từ sản phẩm vật chất đến sản phẩm tinh thần như băng, đĩa, máy nghe nhạc, tác phẩm hội họa, tác phẩm văn học...

Về vật tư, máy móc, thiết bị hàng giả xuất hiện từ những sản phẩm như: thóc giống, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thức ăn gia súc, sắt thép, xi măng, ống nhựa, dây điện, sơn quét tường, linh kiện kỹ thuật số, thiết bị vệ sinh, sen vòi tắm, thiết bị mạng, điện tử, máy động lực giả...

Trong đó, đáng chú ý là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng như các thực phẩm ăn uống, thuốc đông tây y, mỹ phẩm... Mới đây, những vụ buôn bán thuốc chữa bệnh giả bị phanh phui chấn động dư luận, nhiều vụ thực phẩm chức năng giả bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ hàng chục tấn, mỹ phẩm không rõ nguồn góc được buôn bán tràn lan trên mạng, không được quản lý chặt chẽ.

"Tóm lại, nạn hàng giả không chỉ gây thiệt hại cho nhà nước do thất thu thuế; cho doanh nghiệp làm ăn chính đáng do ảnh hưởng uy tín thương hiệu, giảm thị phần; cho chính sách thu hút đầu tư nước ngoài do môi trường cạnh tranh không lành mạnh mà còn gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tính mạng cho người dùng", ông Hùng nhấn mạnh.

Chống hàng giả: Từ tư duy đến hành động

Liên quan đến các giải pháp chống hàng giả, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn quản trị Thương hiệu, Trường Đại học Thương mại chia sẻ quan điểm rằng, việc chống hàng giả, hàng nhái cần phải được thực hiện từ tư duy đến hành động.

"Nói đến vấn đề chống hàng giả, chúng ta cần phải tiếp cận từ góc độ tư duy và thay đổi ngay từ trong tư duy; thay đổi tư duy của cơ quan quản lý, của các cơ quan chức năng, của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng. Nếu không thay đổi tư duy, chúng ta không thể chống được hàng giả", ông Thịnh cho biết.

Để dẫn chứng cho ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh chỉ ra thực trạng rằng, vấn đề hàng giả đã được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, nhưng số lượng hàng giả vẫn không giảm xuống mà ngày càng tăng lên, đó là vì chúng ta chưa thay đổi tư duy. Trong khi đó, cách làm chỉ là một phần còn tư duy mới là điều quan trọng, bao gồm tư duy về mặt pháp lý và tư duy về cộng đồng.

Về khía cạnh tiếp cận về mặt pháp lý, PSG.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho biết, khái niệm về hàng giả, hiện nay ở Việt Nam chúng ta có Nghị định 185 đưa ra định nghĩa về hàng giả, và định nghĩa này tiếp cận theo hướng liệt kê, kể ra những thứ như thế nào thì là hàng giả. Đương nhiên đã là liệt kê thì sẽ là không đủ vì nó liên tục xuất hiện các cái mới. Chính vì vậy, cơ quan thực thi rất khó xử lý. 

Ông Thịnh lấy ví dụ trong khái niệm hàng giả không hề có khái niệm hàng giả về kiểu dáng công nghiệp, chỉ có hàng giả về nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... Nhưng hiện nay có nhiều hàng giả bắt chước về kiểu dáng, do vậy chỉ có thể xử theo Luật xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ, mà tội đó thì nhẹ hơn nhiều so với tội làm hàng giả. Như vậy, chúng ta đã bỏ sót một loại hình của hàng giả.

"Do vậy cần phải thay đổi tư duy. Nếu tiếp cận về mặt pháp lý không mạch lạc thì các cơ quan thực thi rất khó xử lý", ông Thịnh nêu ý kiến.

Một vấn đề quan trọng được PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh nêu ra trong bài phát biểu đó là ý thức của người tiêu dùng, cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng.

Ông Thịnh dẫn chứng, có 2 tình huống xảy ra với người tiêu dùng: một là chúng ta không biết hàng giả, hai là chúng ta mua mà chúng ta tưởng nó là thật, nhưng không ngờ đó là hàng giả. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là rất nhiều người tiêu dùng đang thông đồng với vấn đề dùng hàng giả, thừa biết giả nhưng vẫn dùng. Điều này đang góp phần kích thích việc sản xuất hàng giả.

"Theo khảo sát, trong 100 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ thì 90% doanh nghiệp sợ việc sản phẩm của doanh nghiệp mình bị doanh nghiệp khác làm giống. Nhưng 70% doanh nghiệp khi được hỏi lại trả lời sẵn sàng sao chép kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm khác. Đấy là một nghịch lý", ông Thịnh nhấn mạnh.

Do vậy, vấn đề là làm thế nào để thay đổi nhận thức, tư duy này cả trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, để dần dần sau một vài chục năm nữa, người tiêu dùng Việt Nam thông minh hơn trong nhận thức và tiêu dùng sản phẩm.

Ông Thịnh cũng nêu lên trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cho người tiêu dùng thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng, phải tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận thức đúng về việc tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. 

Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tình trạng làm hàng giả phát triển rất mạnh. Tuy vậy, những hành vi đó tại Việt Nam khi bị phát hiện thì 98,37% bị xử lý bằng biện pháp hành chính, chỉ có 1,63% bị xử lý thông qua tòa án, theo dẫn chứng của PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh.

Trong khi đó, các cơ quan hành chính thì không đủ người, đủ nhân lực để xử lý. Do vậy, điều cần làm bây giờ là phải tăng cường những biện pháp xử lý vi phạm thông qua hệ thống tư pháp để đảm bảo tính răn đe và chế tài đối với những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Video: Sợ hàng giả, người Trung Quốc đổ xô sang Nhật mua bao cao su

Mai Tâm

Tin mới