Đoàn Văn Hậu không phải cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu. Lê Huỳnh Đức đá cho Lifan Trùng Khánh ở Trung Quốc từ năm 2001. Ngôi sao trẻ sinh năm 1999 cũng không phải cầu thủ Việt Nam tiên phong sang châu Âu chơi bóng bởi Lê Công Vinh đã xuất hiện ở giải Cúp Bồ Đào Nha từ cách đây một thập kỷ.
Tuy nhiên, nếu xét về tuổi đời và tuổi nghề, các đàn anh đi trước không ai xuất ngoại sớm như Văn Hậu và cũng không ở một vị thế “oai” được như cầu thủ đang thuộc biên chế của SC Heerenveen (Hà Lan).
Người theo đuổi giấc mơ
“Dream chaser” là hai chữ được thêu trên chiếc giày chân trái của Văn Hậu khi anh tham dự vòng chung kết U19 châu Á 2016. Bằng chiếc giày ấy, Văn Hậu ghi một bàn thắng siêu phẩm, mà sau này trở thành đặc trưng trong phong cách thi đấu của anh. Anh chỉ mới 16 tuổi khi cùng U19 Việt Nam tạo nên hành trình kỳ tích để giành tấm vé tham dự U20 World Cup.
Đoàn Văn Hậu chuyển sang thi đấu cho SC Heerenveen từ CLB Hà Nội.
Trong tất cả các bài đăng liên quan đến bóng đá trên mạng xã hội, Văn Hậu luôn viết hai chữ “Dream chaser”. Hai mươi tuổi, Văn Hậu vẫn là người theo đuổi giấc mơ, một giấc mơ mà bất cứ ai cũng nghĩ đến khi bước chân theo nghiệp “quần đùi áo số” nhưng chỉ có những người thật đặc biệt mới nhìn thấy đích đến.
“Yếu tố quan trọng nhất khiến Văn Hậu trở nên đặc biệt là ý thức được con đường mà mình đang đi và sẽ đi”, cựu danh thủ Triệu Quang Hà tâm sự. Thành viên thuộc “thế hệ vàng” đầu tiên của bóng đá Việt Nam là một trong những nhà tuyển trạch đưa Văn Hậu từ Thái Bình lên Hà Nội đào tạo.
Giấc mơ của Văn Hậu bây giờ có thể sẽ rất khác nếu như lựa chọn của anh trước những ngã rẽ đã qua không phải là bóng đá. “Làm cầu thủ hay về quê chơi điện tử?”, thầy Vũ Hồng Việt ở đội trẻ Hà Nội chỉ hỏi một câu như vậy khi hết cách trị cậu học trò nghiện game. Chính câu trả lời của Văn Hậu đã giúp anh không đi chệch hướng trên hành trình của mình.
Đoàn Văn Hậu bây giờ vẫn chỉ là “lúa non” cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Nhưng tầm vóc của anh, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đã vượt quá danh phận tài năng trẻ. Đoàn Văn Hậu là ngôi sao nổi danh ở tầm quốc tế. Khoác áo đội chính của một câu lạc bộ châu Âu, đề cử cầu thủ trẻ xuất sắc nhất châu Á là điều cực kỳ hiếm có đối với một đại diện của “vùng trũng bóng đá” Đông Nam Á.
Đoàn Văn Hậu thi đấu ở SC Heerenveen.
Hà Nội FC có thể tự hào về việc đóng góp tới một nửa đội hình thế hệ vàng của đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên nếu như Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy… là những ngọc thô từ lò đào tạo trẻ của địa phương chuyển sang, Đoàn Văn Hậu mới đích thực là sản phẩm “cây nhà lá vườn” khi được đội bóng Thủ đô chăm chút từ cấp độ U11.
Cái tên Đoàn Văn Hậu đã sớm được quy hoạch để trở thành một biểu tượng của câu lạc bộ. Bởi thế, ban lãnh đạo Hà Nội FC mới phải vất vả chạy ngược chạy xuôi khi SC Heerenveen bất ngờ “gõ cửa” trong những ngày cuối của kỳ chuyển nhượng. Nhưng không chỉ có đội bóng Thủ đô phải tất bật ở thời điểm đó.
HLV Park Hang Seo cũng phải mở gấp một buổi họp báo, đề nghị Liên đoàn bóng đá Việt Nam tham gia trao đổi với đội bóng Thủ đô. Đoàn Văn Hậu ra nước ngoài chơi bóng không chỉ là việc cá nhân.
Gạt định kiến "hợp đồng thương mại", chờ dấu ấn ở trời Âu
Văn Hậu cập bến SC Heerenveen không lâu sau khi Công Phượng chuyển đến Sint-Truidense ở Bỉ. Cùng là những bản hợp đồng đưa cầu thủ Việt Nam sang châu Âu, nhưng thương vụ chuyển nhượng thứ hai tạo ra cảm giác phấn khích hơn cho dư luận trong nước.
Đoàn Văn Hậu ăn mừng tấm HCV SEA Games.
SC Heerenveen gửi tới Hà Nội FC một đề nghị mượn cầu thủ với khoản phí 1,5 triệu đô-la Mỹ. Kiểm tra y tế, thống nhất hợp đồng, chụp ảnh áo đấu rồi đến họp báo ra mắt. Tất cả đều được thực hiện ở đại bản doanh của đội bóng Hà Lan. Đó là một bản hợp đồng “tiền tươi thóc thật”, một thương vụ được thực hiện đúng theo những gì mà người hâm mộ muốn thấy trên thị trường chuyển nhượng chuẩn châu Âu.
Văn Hậu không ra sân trong nửa mùa giải đầu tiên. Huấn luyện viên trưởng của SC Heerenveen thà dùng hậu vệ phải đá cánh trái chứ không cho tân binh người Việt thử sức. Sự nghi hoặc của người hâm mộ Việt Nam về cơ hội của Văn Hậu lại càng tăng thêm khi báo chí Hà Lan đặt vấn đề rằng đây có thể là một bản hợp đồng mang tính thương mại nhiều hơn chuyên môn. Đoàn Văn Hậu vừa ra sân trận đầu tiên, SC Heerenveen công bố thương vụ hợp tác với một nhà tài trợ từ Việt Nam.
Nhưng hợp đồng thương mại thì sao? Không ít người hâm mộ Việt Nam "dị ứng" với khái niệm này, sau khi chứng kiến những ngôi sao của đội tuyển quốc gia được các CLB nước ngoài chiêu mộ mà không được thi đấu nhiều, chỉ tạo ra dấu ấn về mặt truyền thông.
Dù vậy, các thương vụ chuyển nhượng của bóng đá thế giới hiện đại không thể tách rời yếu tố thương mại ra khỏi chuyên môn, đặc biệt là khi các CLB châu Âu chiêu mộ cầu thủ châu Á, một thị trường có tiềm năng rất lớn. Đối với bản thân cầu thủ, bất kể sự xuất hiện của anh ở đội bóng là vì lý do gì, đó vẫn là một cơ hội để nắm bắt. Được tập luyện thường xuyên với đội chính và thi đấu cho đội U21 cũng là những trải nghiệm bổ ích cho Đoàn Văn Hậu ở tuổi hai mươi.
Video: Văn Hậu vào sân tại cúp Quốc gia Hà Lan
Định kiến "hợp đồng thương mại" có thể tạo ra cảm giác lo lắng về vị thế thực sự của Đoàn Văn Hậu ở châu Âu, nhưng không thể là lý do để ngừng hi vọng. Khi anh vẫn còn nỗ lực thể hiện bản thân ở CLB và chứng minh sự trưởng thành trong mỗi lần trở về đội tuyển, người hâm mộ vẫn có thể lạc quan và mong chờ một dấu ấn được tạo ra từ ngôi sao trẻ tuổi.
Khi được hỏi về hành trang đến châu Âu, Văn Hậu nhắc đến lọ mắm tép và lá cờ Tổ quốc, một vật phẩm cá nhân và một biểu tượng thiêng liêng cho cả một dân tộc.
Hai mươi tuổi, Văn Hậu vẫn là người theo đuổi giấc mơ, nhưng đó không còn là giấc mơ cho riêng bản thân anh nữa. Ngôi sao trẻ quê Thái Bình đại diện cho một thế hệ đang cố gắng chứng tỏ rằng cầu thủ Việt Nam đến được, đứng được và đá được ở châu Âu.