Đêm 18/7, chuyến bay mang số hiệu JL 752 của hãng hàng không quốc gia Nhật Bản sẽ đưa Đoàn Thể thao Việt Nam từ sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội sang sân bay Narita, Nhật Bản, dự Olympic Tokyo 2020.
Lên đường với quyết tâm cao nhất, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ nỗ lực thi đấu hết mình, mang niềm vui, tự hào, góp phần khích lệ tinh thần nhân dân cả nước cùng chống dịch.
Khắc phục khó khăn
Theo ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, năm 2021 tiếp tục là năm đặc biệt khó khăn, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic Tokyo 2020.
Hoạt động thi đấu thể thao trong nước và quốc tế liên tục bị hoãn, hủy, đặc biệt là các giải thuộc vòng loại để giành suất tham dự Olympic. Trước bối cảnh khó khăn đó, Thể thao Việt Nam đã tìm cách khắc phục để giúp vận động viên được cọ sát, thi đấu, tích lũy kinh nghiệm, tâm lý và chuyên môn trước khi tham dự thế vận hội.
"Sau gần 2 năm chuẩn bị, bằng sự cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, với tinh thần khát vọng vươn lên vì màu cờ, sắc áo của Tổ quốc, đến nay, Thể thao Việt Nam có được 18 VĐV tham dự thế vận hội Olympic Tokyo-2020", Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh.
Ông Trần Đức Phấn cũng khẳng định, việc tham dự Olympic lần này, ngoài mục tiêu giành thành tích cao nhất các môn thể thao, còn là dịp để đánh giá sự phát triển của Thể thao Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đồng thời cũng là cơ sở để định hướng, xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
"Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự thế vận hội lần này cũng đã tính toán kỹ thành phần tham dự, trước hết đảm bảo theo đúng quy định của Ban tổ chức và đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ cử đúng đối tượng với quan điểm là tất cả phải phục vụ tốt nhất cho các VĐV, HLV, chuyên gia thực hiện nhiệm vụ thi đấu, giành thành tích cao nhất.
Đoàn cũng sẽ biến mọi khó khăn thách thức thành động lực, vươn lên bằng khát vọng cống hiến, thi đấu hết mình, tự tin, sáng tạo, mang vinh quang về cho Tổ quốc, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống dịch của Ban tổ chức cũng như góp phần giữ vững và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác và phát triển với các quốc gia, bạn bè quốc tế", Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh.
Đoàn Thể thao Việt Nam khắc phục khó khăn để tham dự kỳ Olympic đặc biệt nhất.
Thế vận hội đặc biệt
Ngày 14/7, Nhật Bản có tổng cộng 3.194 ca mắc mới, trong đó riêng thủ đô Tokyo, con số đã lên tới khoảng nghìn người.
Sự lây lan mạnh của biến chủng mới thúc đẩy BTC Olympic Tokyo 2020 đã áp dụng hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt trong việc tổ chức thế vận hội. Nguyên tắc "bong bóng khép kín", vừa được áp dụng thành công tại Vòng loại World Cup, EURO cũng sẽ được áp dụng tại kỳ thế vận hội này.
Đó là việc kiểm soát toàn bộ quy trình di chuyển, sinh hoạt khép kín của các đoàn thể thao quốc tế, quan chức IOC, trọng tài, giám sát… từ khi đặt chân đến sân bay, về khách sạn, đến các địa điểm thi đấu và trở về.
Do diễn biến phức tạp của đại dịch nên sau khi xuất trình giấy chứng nhận âm tính COVID-19 ở sân bay Narita, các thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ được xét nghiệm. Nếu kết quả âm tính, toàn đoàn sẽ được xe chuyên dụng của BTC đưa đi cách ly.
Hoàng Xuân Vinh giúp bắn súng Việt Nam có huy chương ở Olympic Tokyo?
Trong suốt quá trình thi đấu tại thế vận hội, toàn đoàn sẽ không được tiếp xúc với các đối tượng nằm ngoài quy định của nguyên tắc "bong bóng".
Trước khi lên đường, hầu hết thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam đều đã được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19. Trong 3 ngày liên tiếp, từ 15-17.7, toàn đoàn thực hiện xét nghiệm Realtime-PCR virut SARS-CoV-2 trước khi lên đường.
Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự thế vận hội Olympic Tokyo 2020 gồm 43 thành viên, trong đó có 1 Trưởng đoàn, 7 cán bộ, 18 vận động viên, 8 huấn luyện viên, 6 chuyên gia, 2 bác sỹ, 1 phóng viên. Các VĐV của đoàn sẽ tham gia tranh tài ở 11 môn thể thao, trong đó có cầu lông, thể dục dụng cụ, bắn cung, cử tạ, bơi lội,...