Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điều bất ngờ ở một hãng hàng không

(VTC News) -

COVID-19 khiến hàng trăm nghìn người mất việc nhưng điều bất ngờ tại một hãng hàng không Việt là không một ai phải nghỉ việc trong suốt thời gian dịch bệnh.

Hàng không toàn cầu “ngậm ngùi” sa thải nhân viên

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã công bố một phân tích mới đây cho thấy hàng không toàn cầu phải tái cơ cấu và cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động và tránh phá sản vào năm 2021. IATA kêu gọi Chính phủ các nước hỗ trợ tài chính nhằm duy trì hoạt động hàng không và ngăn chặn việc sa thải nhân viên hàng loạt như hiện nay.

IATA khảo sát hơn 300 hãng hàng không trên thế giới và 55% trong số đó cho biết sẽ cắt giảm việc làm trong tháng 12/2020 nếu nhu cầu đi lại bằng đường hàng không phục hồi chậm. Đáng chú ý, IATA dự báo khoảng 1,7 triệu lao động trong tổng số 3,3 triệu của ngành hàng không Trung Đông sẽ mất việc trước cuối năm 2020.

Theo IATA, chỉ khoảng 30 trong tổng số 700 hãng hàng không trên thế giới có thể trụ lại sau đại dịch năm nay. Mỗi ngày, hàng tỉ USD vẫn đang “bốc hơi”. Các “ông lớn” lần lượt sa thải nhân viên, bán tàu bay và tài sản.

 

Trên thực tế, 45% các hãng hàng không đã sa thải nhân viên từ quý II/2020 và nhiều hãng vẫn lên kế hoạch cắt giảm nhân sự từ nay đến cuối năm. Hai hãng hàng không lớn của Mỹ là American Airlines và United Airlines cho nghỉ việc hơn 32.000 nhân viên. Emirates (Ả rập) cắt giảm 9.000 nhân viên, Cathay Pacific (Hongkong) sa thải gần 6.000 nhân viên, Virgin Australia sa thải 3.000 nhân viên.

Hai hãng sản xuất máy bay lớn trên thế giới cũng không tránh khỏi việc cắt giảm nhân sự khi Boeing cắt giảm khoảng 26.000 người, còn Airbus cho hay cần cắt giảm ít nhất 15.000 người.

 

Hãng hàng không biến “nguy” thành “cơ”

Mặc dù cũng chịu tác động mạnh mẽ của COVID-19 nhưng điều bất ngờ đối với Vietjet, hãng hàng không thế hệ mới tại Việt Nam, là việc hãng giữ được toàn bộ nhân sự, không phải sa thải bất cứ ai.

Giải thích về điều này, ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc thường trực, giám đốc điều hành Vietjet, cho biết: “Con người của Vietjet đã tạo nên thành công của hãng trong những năm qua. Đến nay, chúng tôi vẫn chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau, dù có thách thức nhưng với tập thể đoàn kết, đổi mới sáng tạo, chúng tôi sẽ vượt qua”.

Để duy trì việc làm cho đội ngũ trong bối cảnh dịch COVID-19, Vietjet đã biến “nguy” thành “cơ”. Ngay từ đầu mùa dịch, Vietjet đã nhanh chóng chuyển sang bay vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị y tế phòng chống dịch. Từ cuối tháng 3/2020, Vietjet là một trong những hãng hàng không đầu tiên tại châu Á chuyển hướng sang vận tải hàng hóa và là hãng đầu tiên tại Việt Nam được phê chuẩn triển khai khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách (CIPC).

Ngoài ra, Vietjet cũng tăng cường các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam và công dân các nước khỏi những vùng bị ảnh hưởng của dịch, giúp cho đội ngũ phi công, tiếp viên duy trì được công việc hằng ngày. Từ đầu tháng 9/2020, Vietjet bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài, không chỉ góp phần giảm chi phí mà còn tạo việc làm thường xuyên cho đội ngũ nhân viên của hãng.

 

Theo ông Nguyễn Việt Linh, Phó Ban quản lý kế hoạch bay của Vietjet, hãng đã duy trì công việc cho 100% phi công, tiếp viên. Việc này giúp đội ngũ nhân viên của Vietjet duy trì được năng định cho lực lượng nhân viên hàng không theo yêu cầu của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam nhưng không làm tăng chi phí.

Phi công Nguyễn Thái Anh Tuấn cho biết: “Tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp bị sa thải hoặc ở các hãng phá sản. Vietjet duy trì được nhân sự là nỗ lực rất lớn của ban lãnh đạo”. Phi công Nguyên Phi Hoàng lại khẳng định sự đoàn kết và nỗ lực không ngừng của người Vietjet ở tất cả các bộ phận cùng với sự linh hoạt trước diễn biến dịch bệnh là điều kiện quan trọng để hãng trụ vững, vượt qua đại dịch.

Cũng như các nhân viên người Việt, đội ngũ nhân viên người nước ngoài tại Vietjet đều rất tin tưởng, lạc quan vào kế hoạch của công ty và tự hào khi họ vẫn được phục vụ hành khách trong thời gian dịch bệnh. Phi công Aneesh Suresh Hareet cho hay ngay từ khi dịch bùng phát, ban lãnh đạo đã cam kết cố gắng hết sức để duy trì được hoạt động khai thác và không sa thải nhân viên. Chính vì thế, đội ngũ Vietjet đã chung tay nỗ lực để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nỗ lực của Vietjet trong đại dịch COVID-19 là một tấm gương điển hình để các hãng hàng không học tập theo. Hãng đã gìn giữ được tài sản quý giá nhất là lực lượng lao động. Việc duy trì hoạt động khai thác đã đem lại động lực và truyền cảm hứng cho toàn thể nhân viên. Đó là một điều tuyệt vời! Tại thời điểm này, mỗi nhân viên đều muốn đóng góp khả năng của mình vì sự phát triển của hãng và của ngành hàng không”, nữ phi công Maria Cristina Maldonado chia sẻ.

Bên cạnh việc duy trì công việc, đảm bảo chế độ, chính sách cho đội ngũ, từ đầu năm đến nay, Vietjet đã tổ chức hơn 800 khóa huấn luyện ban đầu, định kỳ, nâng bậc cho hơn 23.000 lượt học viên bao gồm phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, nhân viên mặt đất, nhân viên điều độ khai thác bay… Đây là sự chuẩn bị của hãng đảm bảo cho hoạt động liên tục, ổn định và sẵn sàng khi thị trường trở lại.

Quỳnh Chi

Tin mới