Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến hoạt động vận tải hàng không toàn cầu ngưng trệ, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới đều báo lỗ trong quý 2 hoặc dự tính lỗ cả năm nay.
Ngày 30/10, hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản thông báo dự tính sẽ lỗ ròng từ 240-270 tỷ yen trong tài khóa 2020 (tính đến cuối tháng 3/2021), đánh dấu lần đầu tiên hãng báo lỗ kể từ khi trở lại sàn chứng khoán năm 2012.
Trước đó, JAL đã không đưa ra dự báo kết quả hoạt động thường niên khi công bố kết quả kinh doanh quý 1 hồi tháng Tám do còn nhiều yếu tố bất ổn liên quan đại dịch.
Từ tháng 4-9 vừa qua, JAL chịu lỗ ròng 161 tỷ yen, trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận hơn 54 tỷ yen ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Doanh số giảm 74% xuống mức gần 195 tỷ yen trong khi mức lỗ trước thuế và phí là 224 tỷ yen.
Thông báo mới của hãng hàng không lớn thứ hai của Nhật Bản nêu rõ đại dịch COVID-19 gây ra những tác động "chưa từng có tiền lệ" với ngành hàng không và đẩy ngành này vào những tình cảnh vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, thực tế rằng dịch bệnh hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tại nhiều quốc gia và khu vực càng khiến triển vọng khôi phục nhu cầu đi lại quốc tế trở nên khó đoán định.
JAL nhận định dù nhu cầu trong nước đang dần khôi phục nhưng sẽ mất nhiều thời gian mới có thể bình phục hoàn toàn.
(Nguồn: Getty Images)
Hồi đầu tuần này, hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản ANA Holdings cũng dự tính mức lỗ ròng kỷ lục lên tới 4,87 tỷ USD trong tài khóa 2020. Truyền thông địa phương đưa tin công ty dự định cắt giảm 3.500 việc làm trong khi JAL cũng cho biết sẽ ngừng tuyển dụng nhân sự trong năm tới.
JAL sẽ thực hiện thêm các biện pháp nhằm cắt giảm chi phí, trong đó có việc thải hồi 30 máy bay chở khách trước tài khóa 2022 và cắt giảm 50% lương của các cán bộ cấp quản lý.
Trong khi đó, tại châu Âu, tập đoàn IAG, chủ sở hữu của các hãng hàng không British Airways (Anh) và Iberia (Tây Ban Nha), thông báo lỗ ròng 1,76 tỷ euro (hơn 2 tỷ USD) trong quý 3 do tác động của đại dịch.
Kết quả hoạt động của IAG trong ba tháng tính đến tháng Chín trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận ròng 1 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu quý 3 giảm 83% xuống mức 1,2 tỷ euro trong khi mức lỗ trước thuế và phí là 1,3 tỷ euro, cùng kỳ năm ngoái ghi nhận mức lợi nhuận 1,4 tỷ euro.
Tính từ đầu năm tới nay, IAG đã thua lỗ tổng cộng 5,6 tỷ euro. Dù nối lại các chuyến bay trong mùa Hè vừa qua sau khi các quốc gia dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhưng hãng chỉ hoạt động cầm chừng với số lượng các dịch vụ cung cấp giảm mạnh. IAG kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới tăng cường xét nghiệm trước chuyến bay để đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý khách hàng.
Tương tự, hàng không Air France-KLM của Pháp thông báo thua lỗ nặng nề trong quý 3, đồng thời dự báo tình trạng này sẽ tiếp tục là thách thức lớn trong quý 4.
Air France ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 1,7 tỷ euro (1,9 tỷ USD) trong quý vừa qua, đối ngược mức lãi 363 triệu euro vào cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của hãng trong quý 3 chỉ đạt 2,5 tỷ euro, giảm hơn 3 lần so với con số 7,6 tỷ euro cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, số lượt khách của Air France quý vừa qua cũng giảm tới 70% xuống còn 8,8 triệu lượt.
Sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hồi đầu năm, Air France-KLM đã trải qua giai đoạn "phục hồi tích cực" cho đến giữa tháng Tám. Tuy nhiên, số lượng hành khách giảm mạnh đã khiến hãng này phải giảm số lượng các chuyến bay trong quý 3 và quý 4.
Hãng cho biết khả năng phục hồi là rất hạn chế, vì khách hàng dần thay đổi thói quen đặt vé do còn phụ thuộc vào các lệnh cấm đi lại, đặc biệt đối với các tuyến bay đường dài.
Với việc Pháp áp đặt trở lại lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, các hoạt động của Air France sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo nhận định Air France sẽ phải đối mặt với một "quý 4 đầy thách thức," trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.