Hôm 12/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và cảnh báo rằng phương Tây sẽ đáp trả một cách dứt khoát đối với bất kỳ cuộc tấn công nào vào Ukraine.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm kiềm chế căng thẳng, hai bên điện đàm sau khi Washington và các đồng minh cảnh báo rằng quân đội Nga, với 100.000 binh sĩ đóng gần Ukraine, có thể tấn công bất cứ lúc nào. Moskva bác bỏ những cảnh báo này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: NBC News)
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói, cuộc điện đàm không có gì đột phá so với trước đây.
Trong khi đó, theo điện Kremlin, ông Putin nói với ông Biden rằng Washington đã không tính đến các mối quan tâm của Nga và Moskva không nhận được câu trả lời thỏa đáng nào cho các câu hỏi lớn - bao gồm sự mở rộng của NATO và việc triển khai các lực lượng tấn công tới Ukraine.
Israel, Bồ Đào Nha và Bỉ là những quốc gia tiếp theo kêu gọi công dân của họ rời khỏi Ukraine ngay lập tức. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh cho hầu hết các nhân viên đại sứ quán rời Ukraine. Lầu Năm Góc đang rút khoảng 150 chuyên gia quân sự.
Theo Nhà Trắng, ông Biden có kế hoạch xem xét các vấn đề với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người đã nói chuyện với cả ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Các quan chức quân sự và ngoại giao hàng đầu của ông Biden cũng đã nói chuyện với những người đồng cấp Nga.
Còn ông Putin đã nói chuyện với ông Alexander Lukashenko, lãnh đạo nước láng giềng phía bắc Ukraine là Belarus, nước đang tham gia các cuộc tập trận chung lớn với Nga.
Sau cuộc gọi của Tổng thống Nga-Pháp, một quan chức Pháp nói không có dấu hiệu nào về việc Nga đang chuẩn bị một cuộc tấn công chống lại Ukraine. "Tuy nhiên, chúng tôi cực kỳ cảnh giác với thế trận (quân sự) của Nga để tránh điều tồi tệ nhất", vị quan chức nói thêm.