Chiều 22/11, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử 6 bị cáo nguyên là nhân viên Eximbank Hồ Ngọc Thủy (32 tuổi, quê Khánh Hòa), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (34 tuổi, quê Bình Thuận), Trần Nguyễn Xuân Lan (37 tuổi, ngụ TP.HCM), Nguyễn Thị Thi (40 tuổi, quê Khánh Hòa), Cao Lan Phương (38 tuổi, quê Ninh Thuận) và Lương Quốc Anh (32 tuổi, ngụ tại TP HCM) về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp".
Bà Chu Thị Bình (khách hàng gửi và bị mất 245 tỷ đồng tại EximBank) cùng luật sư Phan Trung Hoài tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bà Chu Thị Bình cùng luật sư tại toà.
Trong phiên xử chiều qua, bà Bình cho biết ông Lê Nguyễn Hưng trực tiếp giao dịch với bà trong mỗi lần bà này gửi tiền tiết kiệm.
"Khi lập các ủy nhiệm chi tiền thì không có mặt tôi, khi lập giấy ủy quyền tôi cũng không gặp các bị cáo, còn các chữ ký trên giấy ủy quyền thì ông Hưng và các nhân viên ngân hàng hướng dẫn tôi viết", bà Bình nói.
Cũng tại phiên tòa, nữ khách hàng này cũng đề nghị ngân hàng EximBank trả cho bà 245 tỷ đồng.
Lý giải về đề nghị này, theo bà Bình hiện nay bà còn 3 sổ tiết kiệm tại EximBank, trong quá trình điều tra thì ngân hàng này đã trả lại cho bà 59 tỷ đồng, hiện vẫn còn 245 tỷ đồng.
Trong diễn tiến vụ việc, trong thời gian qua bà Bình và EximBank thống nhất ngân hàng tạm ứng 245 tỷ đồng vào 3 sổ tiết kiệm của bà Bình tại EximBank.
Tuy nhiên, khoản tiền chết này vẫn nằm tại ngân hàng. Nay tại phiên tòa, bà Bình đòi tất toán toàn bộ để bà Bình nhận lại 245 tỷ đồng và các khoản lãi phát sinh.
"Không thể lấy được vì số tiền 245 tỷ đồng là tạm ứng đưa vào tài khoản bà Bình. Đây là cách thỏa hiệp để bà Bình giữ uy tín cho EximBank. Trên thực tế bà Bình chưa thể rút tiền ra được, đó cũng là lý do bà Bình đòi lại 245 tỷ đồng tại tòa", luật sư Phan Trung Hoài chia sẻ.
Đối với bà Chu Thị Bình, trong vụ án này, các cơ quan tố tụng xác định bà là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Việc bà Chu Thị Bình ký tên trên giấy ủy quyền và một số giấy tờ khống khác không phải là nguyên nhân gây thiệt hại. Bởi nếu giấy ủy quyền có chữ ký của bà Bình nhưng nhân viên ngân hàng thực hiện đúng quy định của Eximbank thì ông Lê Nguyễn Hưng cũng không thể thực hiện hành vi rút tiền trong tài khoản tiết kiệm do Eximbank chi nhánh TP.HCM đang quản lý.
Bà Bình cho biết ngân hàng Eximbank mới trả 59 tỷ đồng.
Cũng tại phiên xử, tất cả các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố và cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của ông Lê Nguyễn Hưng.
Đại diện Eximbank, cho rằng lúc xảy ra vụ án Lê Nguyễn Hưng giữ chức phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM phụ trách ngân quỹ.
Đại diện ngân hàng cũng nói rằng trong quá trình giao dịch với bà Chu Thị Bình thì ông Hưng sử dụng các thủ đoạn gian dối nên ngân hàng không phát hiện. Tới ngày 26/3/2017, công an vào cuộc điều tra thì phía ngân hàng mới nắm rõ vụ án. Đối với giao dịch của bà Chu Thị Bình thì hiện nay còn 3 sổ tiết kiệm với số dư trên 300 tỷ đồng.
Về dân sự thì đại diện Eximbank yêu cầu HĐXX xác định Lê Nguyễn Hưng có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại cho ngân hàng.
Theo cáo trạng, cơ quan điều tra xác định trong khoảng thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 3/2017, Lê Nguyễn Hưng (nguyên là phó giám đốc Eximbank CN TP.HCM) giả mạo chữ ký của chủ tài khoản để lập tài khoản giả mạo nhằm lập giấy ủy quyền giả mạo của khách hàng để rút hơn 264 tỷ đồng của Eximbank.
Số tiền này liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của ba khách hàng gửi tiền tại ngân hàng này là Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Quí. Đối với các nhân viên ngân hàng nói trên đã tin tưởng ông Hưng mà thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng các quy định.
Từ đó, họ tạo điều kiện cho Lê Nguyễn Hưng lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.