Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đi tìm nguyên mẫu nhân vật Vợ chồng A Phủ

Tại đây, chị đã gặp được những con người được cho là nguyên mẫu thật bằng xương bằng thịt như bước ra từ tác phẩm văn học nổi tiếng Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

Năm ngoái, trong một bài trả lời phỏng vấn báo TT&VH, nhà văn Tô Hoài đã từng ao ước được trở về Tà Sùa, Hồng Ngài (Sơn La), cùng các nhà làm phim làm một bộ phim về Mường Dơn. Không biết đã ngoài 90 tuổi, cụ đã thỏa tâm nguyện này chưa nhưng mới đây, nữ nhà báo Hoàng Hường đã lặn lội tìm đến địa danh này…


Tại đây, chị đã gặp được những con người được cho là nguyên mẫu thật bằng xương bằng thịt như bước ra từ tác phẩm văn học nổi tiếng Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Nhân tiện, chị đã thực hiện một bộ phim ngắn, hay nói cho đúng hơn là làm ký sự bằng hình ảnh về những nguyên mẫu này.

Thống lý Pá Tra là Mùa Trở La, không phải Mùa Chống Lầu

Hoàng Hường cho biết, sở dĩ chị quyết tâm tìm đến những địa danh đã được nhà văn Tô Hoài nhắc đến trong tác phẩm của mình là vì ngay từ ngày được học tác phẩm này trong trường phổ thông, chị đã rất thích đến những miền đất ấy. Mong muốn đó cứ lớn lên để rồi “không chịu được nữa”, chị khoác ba lô lên đường với hy vọng sẽ tìm được những câu chuyện liên quan đến những địa danh, những con người, dù chỉ là “hậu duệ” của những con người mà nhà văn Tô Hoài đã đưa vào tác phẩm văn học. Tuy nhiên, chính sự “tù mù và liều lĩnh” này đã giúp Hoàng Hường “thu hoạch” được nhiều hơn những gì mình mong muốn.

Nhà báo Hoàng Hường. 
Đầu tiên, Hoàng Hường tìm đến nhà ông Đinh Tôn, (xã Phiêng, huyện Bắc Yên, Sơn La) người được cho là nguyên mẫu nhân vật A Châu trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Qua cuộc “chất vấn” giữa “nhà quay phim nghiệp dư Hoàng Hường” với ông Đinh Tôn, có thể tạm chứng minh được ông Đinh Tôn chính là nguyên mẫu “cán bộ A Châu”.

Theo đó, ông Đinh Tôn gặp nhà văn Tô Hoài năm 1951, khi ông còn chưa lập gia đình và đang làm công tác dân vận và nghiên cứu tình hình lịch sử của người Mèo khu 99 (gồm 1 nửa là xã La Phù, 1 nửa là xã Tường Phù). Theo những gì mà ông Đinh Tôn trả lời phỏng vấn nhà báo Hoàng Hường trong phim thì nhân vật thống lý Pá Tra là từ nguyên mẫu thống lý Mùa Trở La, bố đẻ của thống lý Mùa Chống Lầu.

Ông Đinh Tôn kể: “Bố ông Mùa Chống Lầu độc ác lắm, nhưng đến ông thống lý Mùa Chống Lầu, các đồng chí ta lại thuyết phục được ông ấy đi theo cách mạng, ông đã xây dựng cơ sở, vận động tất cả người Mèo vùng 99 và vùng Kim Bon theo cách mạng. Tức là bố ông thống lý thì độc ác nhưng bản thân ông thống lý thì lại đi theo cách mạng. Thế nên nhà văn Tô Hoài cũng không nói ông Mùa Trở La mà nói thống lý Pá Tra. Bởi vì nếu lấy tên ông Mùa Trở La làm tên nhân vật luôn thì ảnh hưởng đến ông Mùa Chống Lầu. Khi đó ông Lầu đang là ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc khu Thái - Mèo, còn tôi là ủy viên Hội đồng nhân dân khu. Tức là nguyên mẫu của nhân vật thống lý Pá Tra là ông Mùa Trở La, là bố ông Mùa Chống Lầu, chứ không phải là Mùa Chống Lầu như nhiều người nghĩ”.

Giải thích về các nguyên mẫu khác, ông Đinh Tôn cho biết: “A Sử chết lâu rồi. Các nhân vật A Phủ, A Sử, A Mỵ, tên thật của họ cũng là như vậy thôi. Nhưng giấu cái họ đi. Ngay cả tôi, ban đầu anh Tô Hoài cũng lấy tên tôi ra, nhưng tôi nói rằng như vậy cũng không hay, vì cần phải gắn vào đồng bào dân tộc, cần phải tôn lên cái người dân tộc họ làm nên lịch sử. Vì thế, ngay cả các nhân vật A Phủ, A Sử cũng không có họ. Người Mèo có 12 họ, thì các nhân vật cũng không lấy họ nào cả, mà cứ lấy họ A vào đấy thôi. A là cái tên đệm chung. Bây giờ lấy A Phủ, A Sử, A Châu ra hỏi thì không ai biết cả. Nhưng nghe cái tên đó biết A Châu dân tộc Mông là được rồi”.

Nguyên mẫu A Mỵ thật vẫn còn sống

Nguyên mẫu A Châu Đinh Tôn (sinh năm 1930), nguyên quán ở Vạn Yên, Phú Yên, gốc là người Mường. Ông thoát ly từ năm 15, 16 tuổi và gần như đã đi khắp Sơn La để tham gia công tác dân vận. Năm 1983, ông về ở xã Phiêng, huyện Bắc Yên, Sơn La cho đến bây giờ. Ông có hai vợ. Người vợ thứ nhất đã mất năm 1999, lấy người vợ thứ hai cũng đã có nhiều con cháu.

Ông Đinh Tôn (tức A Châu) và vợ - Ảnh: Hoàng Hường. 
Hoàng Hường kể: “Đến nhà “cán bộ A Châu”, điều tôi ám ảnh nhất không hẳn là những câu chuyện ông kể về những nguyên mẫu trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài mà là căn nhà ông đang ở. Nó quá dột nát. Ông có 7 người con, hiện 6 người còn sống. Người con thứ hai của ông từng thi ĐH Xây dựng ở HN thừa 2 điểm nhưng không theo học mà ở nhà đi làm, được 7 năm thì ngã bệnh qua đời. Còn 6 người con còn lại, có 3 nữ đều là giáo viên, còn 3 con trai thì 1 là thiếu tá, 1 là trung tá ở công an tỉnh. Nhà chưa làm lại được là vì con cháu ông bà đều công tác xa nhà, có khi cả năm mới đáo về thăm ông bà được một lần!”.

Chưa hết cảm động bởi đã gặp được nguyên mẫu trong tác phẩm văn học mà mình mê mẩn từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Hoàng Hường còn sướng rơn khi được “cán bộ A Châu” cho biết, nhân vật A Mỵ hiện vẫn còn sống, nhưng không phải ở Phiềng Sa như trong truyện của Tô Hoài đã viết mà ở bản Lung Tang, cũng thuộc Hồng Ngài, nhưng cách khoảng một ngày đường rừng, băng qua sông và đôi khi phải đi bằng “tứ chi”.

(Còn nữa)

Theo Thể thao Văn hóa
 

Nguồn:

Tin mới