Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đi taxi Uber, Grab: Nơm nớp nỗi lo lộ thông tin cá nhân?

Đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội cùng các hãng taxi truyền thông nêu lên nhiều bất cập của 2 loại hình Uber taxi và Grab taxi.

(VTC News) - Việc người dùng sử dụng số điện thoại để đặt xe taxi Uber, Grab có thể dẫn đến việc lộ một số thông tin cá nhân.

Đây là một trong những ý kiến được đại diện các hãng taxi truyền thống nêu lên trong Hội thảo " “Hệ lụy của loại hình Uber taxi, Grab taxi và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng vận tải và phát triển bền vững” do Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội tổ chức.



Uber, Grab giảm giá cước tuỳ tiện: Lợi bất cập hại

Ông Phạm Duy Kính - đại diện hãng VIC Taxi Hà Nội đặt vấn đề: Hiện nay Grab và Uber taxi đang chi rất nhiều tiền khuyến mại giúp khách hàng giảm được nhiều chi phí mỗi lần đi taxi, chính vì vậy nhiều người đã chọn Grab, Uber làm phương tiện di chuyển và hoàn toàn quay lưng lại với các hãng taxi truyền thống.

Một hình ảnh quảng cáo của Grab taxi với giá 6000đ/km (ảnh: Internet) 

"2 hãng này đang tận dụng nhiều xe tư nhân để kinh doanh, tự ý đặt cước gây rối loạn thị trường, đồng thời gây ách tắc giao thông ảnh hưởng đến trật tự xã hội" ông Kính nói.

Cùng quan điểm với ông Kính, ông Trần Đức Trí - đại diện hãng Taxi Thanh Nga nhấn mạng việc áp dụng mức phí quá thấp của các hãng Uber, Grab đang ảnh hưởng đến các hãng taxi truyền thông, gây ra nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng. Ông Trí nêu lên vấn đề giá cước 6.000 đồng/km như các Grab đang áp dụng hiện nay và cho rằng không hãng nào có thể đặt giá 6.000 đồng/km kể cả áp dụng công nghệ.

Điều này tưởng chừng như mang lại lợi ích cho khách hàng nhưng nếu một ngày các hãng taxi truyền thống thua lỗ, phá sản thì Grab hay Uber sẽ tuỳ ý đặt cước taxi như thế nào, ai kiểm soát được?

Điển hình vào ngày 19/10 vừa qua, khi mà Grab không hỗ trợ cho lái xe nữa thì không lái xe nào chịu được mức 6.000/km bởi trước đó Grab đã hỗ trợ rất nhiều.



Cũng kinh doanh dịch vụ taxi nhưng không bị quản lý


Ông Phạm Duy Kinh cũng cho rằng, hiện tại các hãng Uber, Grab vẫn đang kinh doanh giống như taxi truyền thống nhưng không phải chịu sự quản lý như các hãng khác, đó cũng là một điều đáng lưu tâm. 

 Một chiếc Honda CRV hoạt động Uber taxi ở Hà Nội (Ảnh: Minh Chiến)


Bàn về hoạt động của Uber và Grab trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Quân - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các công ty này đang thực hiện kinh doanh vận tải sai so với quy định. 

Đặc biệt, ông Quân nhấn mạnh các công ty Uber và Grab chỉ là một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để kết nối người có nhu cầu đi lại bằng taxi với công ty taxi.

"Tuy nhiên trên thực tế các công ty này lại không đơn thuần chỉ kinh doanh phần mềm, cung cấp giải pháp công nghệ mà còn đang hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh taxi, và nhiều người cũng biết đến “Uber taxi hay Grab taxi” như những hãng taxi" ông Quân nêu thực trạng.

Theo lý giải của vị Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, các công ty này đang trực tiếp thực hiện các hoạt động của một công ty kinh doanh taxi như lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ lái xe, tiếp nhận nhu cầu của khách, thực hiện cung cấp hai chiều cho lái xe và khách, đưa ra khuyến mãi và giá cước riêng…

Đại diện các hãng taxi truyền thống cho rằng, Uber và Grab còn tự ý đưa ra giá cước một cách tùy tiện. Trong khi đó, lái xe không cần đồng phục, không đeo thẻ lái xe, không biển hiệu taxi, logo, bảng giá cước công khai, đồng hồ tính cước… ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi lái xe, khách hàng và trật tự xã hội.

Lộ thông tin cá nhân?

Một hệ luỵ của việc người dùng sử dụng dịch vụ taxi như Uber, Grab đó là lộ các thông tin cá nhân như số điện thoại và thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ visa...

Tài xế Uber sử dụng smartphone để nhận yêu cầu đặt chặng của hành khách (Ảnh: Minh Chiến)

Ông Trí nói: "Để sử dụng ứng dụng này, khách hàng phải khai báo ít nhất là số điện thoại của mình dẫn đến hệ lụy lộ thông tin cá nhân của khách hàng. Thêm nữa, đại đa số các xe của 2 hãng này đều không có phù hiệu hợp đồng nên không biết đã có bao nhiêu xe tư nhân trà trộn vào kinh doanh".

Ông Trí cũng lấy dẫn chứng về một số trường hợp mà ông nắm được khi có hành khách sau khi đi Grab taxi đã bị tài xế xe nhắn tin đe dọa. 

Cụ thể về việc này, ông Trí cho biết, có một hành khách sử dụng Grab taxi, sau khi lên xe và nhận thấy thái độ phục vụ của tài xế không tốt, hành khách này đã đánh giá "1 sao" (tối đa 5 sao - PV) vào phần đánh giá tài xế trên ứng dụng của Grab. Việc đánh giá này khiến tài xế này bị phía Grab cắt hợp đồng vì thái độ phục vụ không tốt với khách hàng. 

"Do đăng ký thông tin số điện thoại trên ứng dụng, nên sau đó tài xế bị đuổi việc đã nhắn tin đe dọa vị hành khách này" ông Trí nêu dẫn chứng.

Một trường hợp khác khách hàng đi xe taxi Uber đã tự động bị trừ tiền trong tài khoản mà không được hãng thông báo trước gây bức xúc.


M.Chiến

Nguồn:

Tin mới