Ngày 14/12, ông Vũ Văn Hóa - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cho biết, cách đây hai tuần, dựa trên đề nghị của Hội đồng kỷ luật nhà trường, trường có quyết định cảnh cáo Ban chủ nhiệm khoa Trung - Nhật, Chủ nhiệm khoa Bùi Văn Thanh vì dùng giáo trình có "đường lưỡi bò".
Theo đó, hơn 1.000 cuốn giáo trình bị thu hồi, gồm 716 cuốn nhà trường bán và nhiều cuốn do sinh viên tự photo hiện đang được lưu giữ ở khoa Trung - Nhật. Ông Hóa cho biết, việc xử lý tiêu hủy phải đợi ý kiến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mới có thể thực hiện được.
Ban giám hiệu nhà trường cũng yêu cầu khoa Trung - Nhật xem xét cả nội dung hai cuốn sách, hình thức xử lý không đơn thuần là bỏ bản đồ "đường lưỡi bò", mà phải hủy những cuốn giáo trình đó. Trường đang chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để thực hiện.
Đến ngày 6/11, Khoa Trung - Nhật phối hợp Phòng Công tác học sinh sinh viên thu hồi 940 cuốn sách có "đường lưỡi bò". (Ảnh: Anh Thư)
Theo trường, việc để lọt bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp trong giáo trình tiếng Trung trước hết thuộc trách nhiệm của Ban giám hiệu, trách nhiệm trực tiếp của Chủ nhiệm khoa Trung-Nhật thiếu chỉ đạo sâu sát trong thẩm định hai cuốn sách, để xảy ra sai sót nghiêm trọng.
Khoa không tuân thủ quy trình thẩm định, phê duyệt giáo trình. Bên cạnh đó, việc thu hồi sách còn chậm trễ và thiếu nghiêm túc. Ban giám hiệu chỉ đạo thu hồi sách có "đường lưỡi bò" nhưng ngày 2/11, trung tâm dịch vụ sinh viên vẫn bán sách này. Lãnh đạo trường yêu cầu trung tâm giải trình, kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của ca trực, người bán giáo trình trên.
Hai cuốn Elementary Reading and Writing Course dạy đọc và viết tiếng Trung có in "đường lưỡi bò" phi pháp nằm trong bộ giáo trình "Developing Chinese" do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh xuất bản được phát hiện.
Giáo trình này được photo lại từ sách gốc do sinh viên khóa trước đi thực tập ở Trung Quốc đem về tặng Khoa tiếng Trung - Nhật (Đại học Kinh doanh và Công nghệ). Đại diện Khoa Trung-Nhật cho biết, chưa bao giờ đặt vấn đề bản quyền với Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh để đưa giáo trình này vào giảng dạy do "không có kinh phí".