Theo thông báo kết luận ý kiến của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp mới đây, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo được yêu cầu khẩn trương rà soát tình hình phát triển điện gió, báo cáo Thủ tướng cho phép kéo dài thời hạn áp dụng giá FIT ưu đãi tới hết năm 2023. Sau thời điểm này mới áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.
Hiện giá mua điện gió trên bờ theo Quyết định 39/2018 là 8,5 cent một kWh, còn ngoài khơi là 9,8 cent một kWh với các dự án vận hành trước ngày 1/11/2021.
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Cục Điện lực phải làm rõ các yếu tố ảnh hưởng dẫn tới việc phải kéo dài giá ưu đãi với điện gió, cũng như tác động của việc kéo dài giá FIT đến phát triển điện gió, cung ứng điện. Song, hiện các mức giá cụ thể trong giai đoạn gia hạn sau tháng 10/2021 chưa được Bộ Công Thương đưa ra.
Trước đó, tại diễn đàn năng lượng do Ban kinh tế Trung ương tổ chức, nhiều nhà đầu tư điện gió bày tỏ mong muốn và kiến nghị kéo dài thêm 2 năm hưởng giá ưu đãi với loại hình đầu tư này.
Theo các chủ đầu tư dự án điện gió, khác với điện mặt trời thời gian thi công nhanh chỉ vài tháng, điện gió thường mất 2-3 năm, riêng công tác đo gió đã mất khoảng 1 năm. Trong khi đó, thời gian để các dự án được hưởng ưu đãi giá FIT chỉ còn khoảng một năm.
Tuy nhiên, nêu ý kiến hồi tháng 7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng không nên gia hạn thêm cơ chế giá FIT ưu đãi với điện gió nhằm đảm bảo truyền tải công suất các dự án điện này và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu, tăng tính cạnh tranh và giảm giá mua các dự án.
Đến cuối tháng 6, thêm 7.000 MW điện gió được bổ sung vào quy hoạch, trong khi số dự án vận hành đến nay là 11 dự án, công suất 429 MW.