Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân: Bệnh viện ngại đấu thầu thiết bị y tế

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, các bệnh viện ngại tổ chức đấu thầu nên cả năm không mua sắm thêm thiết bị y tế dù khối lượng công việc chống dịch tăng hàng nghìn lần.

Phân bổ gói hỗ trợ cùng các nguồn vốn sao cho hợp lý và đầu tư cho y tế là những vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 4/1.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho ý kiến về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Chính phủ trình sáng nay.

Nhiều bệnh viện không dám tổ chức đấu thầu

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) chỉ ra một nghịch lý giữa sự cống hiến và mức hỗ trợ của lực lượng y tế.

Từ năm 2020 đến hết tháng 4/2021 (16 tháng), cả nước chống chọi với quy mô lây nhiễm nhỏ, chỉ khoảng 3.000 người nhiễm. Nhưng từ tháng 5/2021 đến nay (8 tháng), cả nước có 1,7 triệu người nhiễm. Tức là, trong 8 tháng qua, số người nhiễm bình quân mỗi tháng gấp 1.100 lần 16 tháng trước đó; tương tự, bình quân số người mất do COVID-19 gấp 1.700 lần 16 tháng trước đó.

"Ngành y tế gánh vác công việc gấp hàng nghìn lần, nhưng mức hỗ trợ thì gấp không tới 10 lần. Nói như vậy để thấy phải đầu tư bổ sung cho ngành y tế trong điều kiện thích ứng điều trị một cách bền vững", ông Nhân nói.

Một vấn đề khác được ông nêu ra là thời gian qua, nhiều đơn vị "ngại đầu thầu" nên một thời gian dài không mua trang thiết bị mới.

"Khi đi thăm bệnh viện, hỏi bệnh viện mua thêm được bao nhiêu thiết bị thì cơ bản không dám tổ chức đấu thầu nên không mua. Điều trị khối lượng gấp hàng nghìn lần nhưng không mua trang thiết bị mới vì ngại đấu thầu. Theo tôi, nơi đấu thầu tập trung nên là Bộ Y tế. Quy mô lớn nhất, giá rẻ nhất và sẽ đạt yêu cầu", ông đề nghị.

Đại biểu này cho rằng tình trạng hiện nay là Bộ Y tế đấu thầu không thuận lợi nên giao địa phương, địa phương giao cho bệnh viện, bệnh viện lại không làm. "Hỏi 3 bệnh viện thì cả năm không đấu thầu gì cả", ông cho biết.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM. (Ảnh: Quang Huy)

Về mặt con người, sau 2 năm chống dịch, số người làm y tế giảm do thôi việc, sức khỏe yếu hoặc qua đời. Ông Nhân cho rằng vấn đề nhân sự ngành y tế cần phải bàn kỹ hơn để đảm bảo sự bền vững.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng Chính phủ cần có đề án trình Quốc hội để tăng định biên cho y tế cơ sở.

Ở góc độ kiểm soát dịch bệnh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Việt Nam sớm xác định rõ trạng thái "không có dịch" dù số ca nhiễm cao.

Để dễ hình dung, ông Nhân lấy ví dụ 8 tháng qua, bình quân mỗi tháng có 214.000 người nhiễm mới. Nếu giảm 1/3 (70.000 ca mắc/tháng) và coi đây là trạng thái không có dịch thì năng lực đáp ứng của hệ thống y tế ở mức nào.

Ngoài ra, ông cũng để nghị Nhà nước nên có nguyên tắc hỗ trợ chi phí xét nghiệm. Vị đại biểu này kiến nghị không nên "đẩy hết cho người dân" và gợi ý bảo hiểm y tế chi trả 2/3 chi phí.

Nguy cơ vi phạm Nghị quyết của Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) cảnh báo các gói hỗ trợ có thể dẫn đến vi phạm chỉ tiêu về chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên tổng chi ngân sách (ngưỡng cho phép hiện là 25%). Năm 2021, chỉ tiêu này đã chạm trần, năm 2022-2023, khả năng sẽ vượt trần. "Như vậy là vi phạm Nghị quyết của Quốc hội", đại biểu cảnh báo.

Để tránh trường hợp này, ông Ngân cho rằng giải pháp nằm ở cách phân bổ 2,87 triệu tỷ vốn đầu tư công, trong đó còn khoảng 296.985 tỷ chưa phân bổ. Nếu Chính phủ đầu tư cho các địa phương làm tăng thu ngân sách thì sẽ góp phần chi trả nợ trực tiếp trên tổng thu ngân sách.

"Muốn không vi phạm thì phải đầu tư cho địa phương có khả năng làm tăng thu ngân sách. Đó là khu vực Đông Nam Bộ", đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra.

Đông Nam Bộ dự toán năm 2022 tổng thu ngân sách là hơn 593.000 tỷ đồng, trong khi cả nước khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, Đông Nam Bộ chiếm khoảng 40%.

"Nếu không phân bổ đầu tư công cho Đông Nam Bộ có thể dẫn tới vi phạm chỉ tiêu năm 2022. Các dự án của Đông Nam Bộ, trong đó có Vành đai 3, 4, cần có nguồn lực đầu tư công, vốn mồi để thu hút đầu tư xã hội. Tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét ưu tiên khu vực này", ông nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến tại phiên họp tổ kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Thu Hằng)

Bình luận về chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi kinh tế, ông cho rằng cần làm rõ ngành nào được ưu tiên hỗ trợ. Trong đề án, Chính phủ đề xuất chi 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các lĩnh vực như: hàng không, vận tải, du lịch, dịch vụ...

Ông Ngân đề xuất ngành nông nghiệp cần có trọng số hỗ trợ cao nhất để tái cơ cấu theo hướng đảm bảo sản xuất chính ngạch.

Lý giải lựa chọn này, chuyên gia cho biết năm 2021, xuất khẩu tăng 19% nhưng đóng góp vào GDP cả nước rất ít. Trong khi đó, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm khoảng 15% nhưng lại góp phần làm tăng GDP. Do đó, Việt Nam cần quan tâm ngành này để đảm bảo nội lực kinh tế.

Sao không nghe gì về vaccine nội nữa?

Nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về tiến độ sản xuất vaccine nội. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhận định trong bối cảnh phải tiêm thêm nhiều mũi vaccine tăng cường, Việt Nam nên thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, đặc biệt ưu tiên vaccine trong nước.

Trong khi đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết băn khoăn từ kỳ họp trước tới nay, không nghe công bố mới về tiến độ của 2 công ty sản xuất vaccine trong nước, báo chí không thấy đề cập. Việc này, Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế cũng không thấy thông tin. "Không ai nói nên không biết chất lượng không tốt hay vướng mắc ở đâu, khâu nào. Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm để chủ động hơn về vaccine", bà Tuyết nói.

Nguồn: Zing News

Tin mới