Chiều nay (21/10), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Giao thông Vận tải với ông Nguyễn Văn Thắng.
Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu chia sẻ kỳ vọng vào tư lệnh mới của ngành Giao thông Vận tải.
Ông Vũ Tiến Lộc (đoàn đại biểu Hà Nội) cho rằng, áp lực đầu tiên của tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng là hoàn thành các dự án đầu tư công đúng tiến độ, theo khung thời gian do Quốc hội và Chính phủ đặt ra.
Để làm được việc này, Bộ trưởng cần có sự đột phá trong chỉ đạo và điều hành, cũng như có sự yểm trợ của các cơ chế đặc thù như: quy định về chỉ định thầu, giải toả mặt bằng; nâng cao tinh thần trách nhiệm và tổ chức lựa chọn đúng năng lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các dự án...
Ông Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Ông Lộc cũng cho rằng, các nhà đầu tư có thể đưa ra những giải pháp, sáng kiến về mặt quản lý rất tốt. Bộ trưởng và Bộ Giao thông vận tải cần "chọn mặt gửi vàng", chọn đúng các doanh nghiệp có tiềm lực, quản trị và công nghệ tốt bởi việc thực hiện đúng tiến độ các dự án giao thông là yếu tố quyết định thành công.
Đồng thời với tư cách chủ đầu tư thì Bộ phải thực hiện được vai trò kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ đưa ra những cơ chế đặc thù để thúc đẩy các công trình hoàn thành đúng tiến độ được giao.
Thứ hai, Bộ trưởng phải rất công tâm trong việc lựa chọn các nhà đầu tư và thực hiện thật tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trong kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư thực hiện tốt dự án. Qua đó sẽ giúp tránh được những rủi ro có thể phát sinh.
Ngoài ra, Bộ cần chú ý khi làm việc với những bên tư nhân, nhà thầu nước ngoài tham gia vào một số công đoạn xây dựng dự án thì phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề pháp lý hợp đồng, đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước và các nhà đầu tư, tránh những tranh chấp có thể xảy ra.
Để làm được điều này, Bộ cần nâng cao công tác quản trị pháp lý, hợp đồng quản trị, quản trị rủi ro, phòng ngừa tranh chấp và xử lý tranh chấp tốt. Bên cạnh đó, Bộ nên tích cực thực hiện việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhằm nâng cao tự chủ của các địa phương trong việc huy động nguồn lực của các nhà đầu tư, nhà thầu tư nhân.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường cho rằng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải là nhân sự trẻ, người trẻ thường xông xáo, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới. Lĩnh vực Giao thông Vận tải là ngành nhiều thách thức, cho nên cần một tư lệnh ngành đủ sự quyết tâm, mạnh dạn, dám đương đầu.
Theo vị đại biểu, ông Nguyễn Văn Thắng từng kinh qua nhiều vị trí, đều hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ mới này sẽ là cơ hội để tân Bộ trưởng thể hiện được hết khả năng của mình.
Trước băn khoăn tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải không xuất phát từ lĩnh vực chuyên môn của ngành mà xuất phát từ lĩnh vực quản lý kinh tế liệu có đáp ứng được những trọng trách nặng nề, ông Hoàng Văn Cường cho biết: "Tôi kỳ vọng tân Bộ trưởng không đi theo lối mòn của ngành này đã đi trong nhiều năm qua, mà cần có tư duy mới. Tư duy mới ở đây là không gói mọi thứ trong phạm vi của ngành mình, mà cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn. Có như vậy, tôi nghĩ rằng sẽ huy động được sức mạnh của nhiều lực lượng tham gia, gánh nặng đó sẽ có nhiều người gánh vác cùng".
Ông Cường nhấn mạnh, Bộ Giao thông Vận tải đang chịu nhiều áp lực về khối lượng công việc rất lớn, đừng nghĩ rằng đó là công việc của riêng Bộ, mà cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương bởi các địa phương đều có thể đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông qua địa phương mình. Khi đó sẽ tách bạch được giữa cơ quan quản lý và chủ đầu tư, càng có điều kiện để giám sát tốt hơn.
Sau khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chia sẻ sẽ tập trung quyết liệt vào việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành nhằm thực hiện thắng lợi của Nghị quyết Đại hội khoá XIII, và quán triệt tinh thần chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng. Toàn ngành sẽ ra sức phấn đấu lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các dự án, công trình trọng điểm của Quốc gia mà Chính phủ, Quốc hội đã đặt ra, đặc biệt là đường cao tốc Bắc Nam ở phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ cũng sẽ hỗ trợ, phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt, thành công, dự án, công trình trọng điểm nằm trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ thông qua.
Bên cạnh đó, ngành Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục rà soát lại các dự án BOT trong thời gian vừa qua từ đó xây dựng các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, đưa ra các giải pháp tiếp tục thu hút nguồn vốn xã hội. Thông qua đó, thúc đẩy, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.