Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH: Có tình trạng được phát máy tính bảng, người dân liền bán lấy tiền tiêu

(VTC News) -

Theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, có tình trạng người dân được hỗ trợ máy tính bảng nhưng không sử dụng mà mang bán lấy tiền để chi tiêu.

"Tại buổi làm việc của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với cơ quan chủ trì của quỹ này, báo cáo có nêu tình trạng chúng ta đầu tư tiền mua máy tính bảng cung cấp cho đồng bào ở vùng sâu vùng xa nhưng có trường hợp cung cấp cho họ xong thì họ mang bán lấy tiền để chi tiêu cho đời sống của họ và họ không quan tâm lắm về việc này".

Đó là thực trạng được đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) nêu tại phiên thảo luận tổ chiều 4/1 về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Tuấn, việc sử dụng 5.000 tỷ đồng của quỹ dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông internet, trong đó sử dụng 1 nghìn tỷ mua máy tính bảng cho học sinh là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu này đề nghị, cần rà soát các đối tượng nhận hỗ trợ, quy định tiêu chí đối với người được nhận hỗ trợ trang thiết bị học trực tuyến này theo chương trình "Sóng và máy tính cho em", tránh tình trạng gây lãng phí, thất thoát khi cứ cấp phát nhưng không hướng dẫn, không đào tạo cho người dân sử dụng thiết bị.

Ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Tại buổi thảo luận, nêu giải pháp hỗ trợ người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) cho biết, mục đích thứ nhất là mời gọi người lao động quay trở lại làm việc, mục đích thứ 2 là giữ chân người lao động.

Trong đó, mục đích thứ nhất được nêu rõ trong dự thảo Nghị quyết như hỗ trợ theo tháng, mỗi tháng hỗ trợ 1 triệu đồng, 3 tháng là 3 triệu đồng. Còn với những người đã quay lại làm việc sẽ được hỗ trợ 500 nghìn đồng mỗi người 1 tháng.

Còn mục đích thứ 2 để giữ chân người lao động làm việc lâu dài ở doanh nghiệp tại địa phương chưa rõ và chưa đủ mạnh. Vừa qua khi thị trường lao động bị đứt gãy khiến người lao động gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.

Theo bà Thủy, đợt bùng phát dịch thứ 4 khiến 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê khiến mọi người không khỏi xót xa. Trong các báo cáo của Quốc hội cho rằng đây là việc đại sự nên không thể để một mình doanh nghiệp, một mình địa phương lo mà phải có Nhà nước chung tay. Do đó, hiện các giải pháp này chưa rõ, chưa đủ mạnh để giữ chân người lao động lâu dài. 

"Hiện tại dự thảo Nghị quyết đang đề xuất khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng chỉ bao gồm những người có quan hệ lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi đó, đợt dịch vừa qua cho thấy những người lao động ở những khu vực phi chính thức, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề", bà Thủy cho hay.

Từ những phân tích trên, bà Thuỷ đề nghị những vấn đề liên quan đến người lao động như xét nghiệm, tư vấn, hỗ trợ nghề nghiệp cần được làm rõ hơn trong đề án.

Quang Tuyền - Xuân Trường

Tin mới