Những nỗ lực hòa giải liên Triều tiếp tục gặp nhiều trở ngại sau khi hai bên liên tiếp có động thái cứng rắn đáp trả nhau.
Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) liên Triều ký năm 2018, đồng thời cho biết sẽ khôi phục ngay lập tức các biện pháp quân sự, triển khai lực lượng và vũ khí mới uy lực hơn dọc Đường phân giới quân sự giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên còn lên tiếng cáo buộc chính "sự khiêu khích" của Hàn Quốc đã đẩy tình hình đến giai đoạn "không thể kiểm soát", đồng thời cảnh báo Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt cho quyết định của mình.
Những phản ứng nêu trên của Triều Tiên được đưa ra không lâu sau khi Hàn Quốc đình chỉ một phần Thỏa thuận quân sự toàn diện để phản đối việc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám Malligyong-1.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-Sik cho biết: "Việc đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự ký ngày 19/9/2018 là biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân chúng ta. Đây là biện pháp tương ứng chống lại những hành động khiêu khích của Triều Tiên và là một hành động phòng thủ tối thiểu”.
Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào quỹ đạo. (Ảnh: KCNA)
Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận định quyết định đình chỉ một phần Thỏa thuận quân sự toàn diện của Hàn Quốc là phản ứng thận trọng và kiềm chế.
Việc Triều Tiên không tuân thủ thỏa thuận được cho là đã gây ra thách thức đối với an ninh của Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh Mỹ ủng hộ các nỗ lực giảm căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên thông qua sự phối hợp quân sự, minh bạch và các biện pháp giảm rủi ro.
Giới chuyên gia lo ngại việc bãi bỏ Thỏa thuận quân sự toàn diện có thể làm tăng nguy cơ đối đầu dọc theo biên giới.
Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang làm việc cho Heritage Foundation tại Mỹ, nhận định, về lý thuyết, Thỏa thuận quân sự toàn diện là thỏa thuận tốt vì các biện pháp giảm thiểu rủi ro cũng như xây dựng lòng tin và an ninh đều có lợi cho cả hai bên.
Song thỏa thuận này gần đây cũng bộc lộ nhiều bất cập, do thiếu các biện pháp tiếp nối, gây cản trở hoạt động giám sát, huấn luyện quân sự của Hàn Quốc và đồng minh, trong khi không giảm bớt mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên.
Thêm nữa, việc Triều Tiên gần đây phóng vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo, khiến cộng đồng quốc tế không khỏi chỉ trích vì hành động này được cho vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ áp dụng cho các chương trình tên lửa đạn đạo.
Hàn Quốc cho biết vệ tinh của Triều Tiên được cho là đã đi vào quỹ đạo nhưng sẽ cần thêm thời gian để đánh giá liệu nó có hoạt động bình thường hay không. Các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngay lập tức tổ chức các cuộc điện đàm phản đối việc Triều Tiên phóng vệ tinh mà 3 nước cho là vệ tinh quân sự.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: "Trung Quốc đặc biệt chú ý đến thông báo phóng vệ tinh của phía Triều Tiên cũng như phản ứng của các bên liên quan. Duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy tiến trình giải quyết chính trị vấn đề Bán đảo Triều Tiên là vì lợi ích chung của mọi quốc gia trong khu vực.
Chúng tôi mong muốn các bên liên quan giữ bình tĩnh, kiềm chế, tuân thủ đường lối giải quyết chính trị chung, đi theo cách tiếp cận và nguyên tắc phát triển theo từng giai đoạn và đồng bộ, tham gia đối thoại có ý nghĩa và cân bằng để đáp ứng những mối quan tâm hợp lý của mỗi bên. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên”.
Song lý giải cho hành động của mình, Triều Tiên khẳng định, vụ phóng vệ tinh là quyền hợp pháp của nước này nhằm tăng cường năng lực tự vệ và thành công này sẽ góp phần đáng kể vào quá trình nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Triều Tiên phù hợp với môi trường an ninh được tạo ra ở bên trong và xung quanh đất nước.