Ngày 17/11, Mỹ và Philippines đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân, mở đường cho Washington xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân dân sự cho Manila, giúp mở rộng nguồn cung cấp điện và chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Năng lượng Philippines Raphael Lotilla ký thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân tại San Francisco, trước sự chứng kiến của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. (Ảnh: CNA)
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, người đã trở thành đồng minh thân cận của Mỹ sau hơn một năm nắm quyền, đã có mặt chứng kiến Bộ trưởng Năng lượng của ông ký hiệp ước với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Hội nghị Cấp cao châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 ở San Francisco.
Ông Marcos phát biểu: “Năng lượng hạt nhân sẽ trở thành một phần trong cơ cấu năng lượng của Philippines vào năm 2032 và chúng tôi sẽ rất vui khi cộng tác với Mỹ, một trong những đối tác của chúng tôi”.
Ông cho biết thêm: "Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực có thể chứng minh rằng liên minh và quan hệ đối tác Philippines - Mỹ thực sự có hiệu quả đối với người dân, nền kinh tế và môi trường của chúng tôi”.
Tổng thống Philippines nhấn mạnh, ông đang thực hiện cam kết xây dựng "nguồn cung cấp năng lượng bền vững, đáng tin cậy và giá cả phải chăng cho cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng".
Thỏa thuận được ký với Mỹ có cam kết Philippines sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ "chống lại việc sử dụng vật liệu hạt nhân được chuyển giao để sản xuất vũ khí hạt nhân".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong lễ ký kết: "Mỹ sẽ có thể chia sẻ thiết bị và vật liệu với Philippines khi họ nỗ lực phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ và cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân dân sự khác".
Mỹ trong những năm gần đây đã chấp nhận năng lượng hạt nhân như một nguồn điện đáng tin cậy và không có carbon, đồng thời bác bỏ những lo ngại của các nhà môi trường về nguy cơ sự cố.
“Khi nhu cầu năng lượng cao nhất dự kiến sẽ tăng gần gấp 4 lần ở Philippines vào năm 2040, năng lượng hạt nhân có thể liên tục sản xuất nguồn điện đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cộng đồng mà không thải ra nhiều khí nhà kính hơn”, ông Blinken cho hay.
Philippines hiện có chi phí năng lượng thuộc hàng cao nhất khu vực và phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra khi mỏ khí đốt Malampaya, nơi cung cấp khoảng 40% năng lượng cho đảo chính Luzon của quần đảo, dự kiến sẽ cạn kiệt trong vòng vài năm tới.
Cũng theo đuổi các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Philippines đang hướng tới năng lượng tái tạo (không bao gồm hạt nhân) chiếm 35% sản lượng điện cả nước vào năm 2030 và 50% vào năm 2040.