Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dàn xe cổ Tiệp Khắc của nam luật sư Việt

Vốn là luật sư của một công ty luật danh tiếng tại TP.HCM nhưng trong thời gian rảnh rỗi anh Thủy thích sưu tầm và phục dựng dòng xe Jawa cổ.

Đam mê sưu tầm xe cổ Jawa

Với nhiều người dân Việt Nam sống trong thập niên 1950 của Thế kỷ 20, những chiếc xe Jawa động cơ 2 kỳ từng là tài sản lớn và là niềm mơ ước. Có nguồn gốc từ Tiệp Khắc (ngày nay là Cộng hòa Séc), giai đoạn này, xe máy Jawa được đưa về Việt Nam chủ yếu để phục vụ cho lực lượng quân đội, công an và cơ quan nhà nước. Ngoài ra, ở khối tư nhân thì xe máy Jawa xuất hiện thông qua những người Việt đi lao động và học tập tại đây - tương tự cách một số dòng xe từ Đông Âu khác du nhập vào như Minsk, Simson và MZ.

Thế nhưng, sau thời kỳ hoàng kim kéo dài đến những năm 1990, ngày nay hãng xe máy Jawa có lịch sử từ năm 1929 đã gần như chìm vào quên lãng trước các dòng xe máy 4 kỳ thông dụng. Mặc dù vậy, những giá trị không thể chối cãi của dòng xe này từ yếu tố lịch sử lâu đời, sự nổi tiếng trên trường quốc tế trong cả gần một thế kỷ, tính thẩm mỹ rất cao về hình dáng cũng như chất lượng của chiếc xe vẫn luôn hấp dẫn người sưu tập xe cổ trên toàn thế giới. Anh Nguyễn Xuân Thủy (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) là một trong những người sưu tầm như vậy.

Vốn là luật sư thành viên của một công ty luật danh tiếng tại TP.HCM nhưng trong thời gian rảnh rỗi anh Thủy lại có sở thích sưu tầm và phục dựng dòng xe Jawa cổ. Chia sẻ về đam mê của mình, anh Thủy bồi hồi nhớ lại: “Tôi sinh ra ở miền Bắc và chuyển vào trong miền Nam từ năm 1990. Tôi luôn giữ ký ức đẹp về những chiếc xe Jawa 350 hùng dũng, nhả khói tít mù mà mình bắt gặp từ thửa nhỏ. Ký ức đó thôi thúc tôi tìm hiểu về hãng xe Jawa và bắt đầu sưu tầm những chiếc xe đầu tiên từ những năm 2000”. 

Anh Nguyễn Xuân Thủy trên chiếc Jawa cổ của mình. Hình ảnh được chụp khi anh cùng đoàn Jawa về thăm làng cổ Đường Lâm. 

Những chiếc Jawa cổ luôn hút ánh nhìn với những ai yêu thích xe. 

Hiện bộ sưu tập xe cổ của anh Thủy đã lên đến hàng trăm chiếc với sự góp mặt của hầu hết các hãng xe danh tiếng như Jawa, MZ (của Đông Đức), BMW (của Tây Đức), Lambretta, Vespa, Rumi (của Ý), Peugeot (của Pháp), Triumph (của Anh Quốc), Honda, Marusho Lilac (của Nhật)… 

Tuy vậy, anh vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết cho bộ sưu tập xe Jawa cổ với gần 50 chiếc xe đại diện cho các phiên bản từ thập niên 1940 cho đến 1990. Đa phần những chiếc xe này đều được giới sưu tầm đánh giá là quý hiếm. 

Anh Thủy thường xuyên dùng những chiếc xe Jawa cổ của mình để cùng những người bạn chinh phục những vùng đất mới. 

Điển hình như chiếc Jawa Ogar 350 số loại 12 sản xuất ngay sau chiến tranh thế giới thứ II với số lượng giới hạn, đây là chiếc xe duy nhất tại Việt Nam hiện nay và cũng được giới sưu tầm xe Jawa cổ trên thế giới săn lùng. Đặc biệt đây là chiếc xe hiện vẫn được lưu hành hợp pháp vì được nhập về Việt Nam từ những năm 1940 và vẫn còn hồ sơ pháp lý đầy đủ. 

Jawa 350 638 bản kéo thuyền trên đường phượt về Bình Châu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, trong bộ sưu tập của anh còn có chiếc xe Jawa 350 số loại 360 kéo thuyền được sản xuất những năm 1960. Chiếc xe này không những quý hiếm tại Việt Nam mà nó còn có giấy đăng ký sở hữu ghi rõ số loại của xe là “ba bánh” vốn chỉ được đăng ký trong những trường hợp rất đặc biệt vì hiện nay xe ba bánh đã bị cấm đăng ký.

Anh Thủy còn sở hữu những chiếc xe đình đám khác như Jawa Californian 350 số loại 362 là một trong những phiên bản hãng Jawa xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào thập niên 1960 và 1970 và tạo được tiếng vang rất lớn tại Mỹ tại thời điểm đó.

Ở phiên bản thể thao, anh sưu tầm được chiếc CZ250 (cũng thuộc hãng xe Jawa sau khi hãng xe CZ sáp nhập vào hãng xe Jawa) phiên bản adventure cũng rất độc đáo về kiểu dáng và rất hút ánh nhìn với những ai yêu thích xe để chinh phục những cung đường mạo hiểm. 

Khắt khe trong việc “chơi xe”

Chia sẻ về quan điểm chơi xe của mình, anh Thủy cho biết, những chiếc xe lọt vào “mắt xanh” của mình thường phải đáp ứng được cả hai yếu tố là linh hồn và thể xác. Ngoài hình thức chỉn chu thì chúng đều được những người thợ có chuyên môn phục dựng lại máy móc để có thể chinh phục những cung đường phượt dài và khó.

Nam luật sư thường xuyên dùng những chiếc xe Jawa cổ của mình để cùng những người bạn chinh phục những vùng cao nguyên như Tam Đảo, Mộc Châu, các tỉnh Tây nguyên hay những chuyến phượt qua các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… 

Anh Thủy trong một lần chinh phục cung đường Tây Bắc.

“Những năm trước đây khi mà việc kết nối giới sưu tầm xe quốc tế còn khó khăn thì việc tìm kiếm linh kiện, phụ tùng thay thế không dễ, do đó một chiếc xe phải nằm kho vài năm để chờ linh kiện, phụ tùng là chuyện bình thường. Điều may mắn là trong khoảng 10 năm trở lại đây thì việc này đã được cải thiện và người sưu tầm xe cổ như tôi có thể dễ dàng phục dựng những chiếc xe cổ với linh kiện, phụ tùng nguyên bản nhập từ nước ngoài”, anh Thủy chia sẻ. 

Anh cho biết, khi có nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng tin cậy, anh sẽ tìm đến người thợ phù hợp, với anh thì họ phải “có tâm và có tầm” để chiếc xe có thể được phục dựng hay bảo dưỡng một cách chuyên nghiệp nhất có thể. Anh luôn quan niệm rằng, thà bỏ xe trong kho còn hơn đưa cho thợ không chuyên chăm sóc những chiếc xe của mình. 

Trong cái “riêng” luôn phải có cái “chung” 

Với anh Thủy, thú sưu tập đồ cổ nói chung hay xe cổ nói riêng cũng gắn liền với văn hóa và sự chia sẻ cộng đồng. Đó là lý do anh luôn tích cực tham gia và hoạt động trong nhóm người sưu tập xe cổ quốc tế và Việt Nam. 

“Ở cộng đồng sưu tập xe Jawa quốc tế, tuy có rào cản về ngôn ngữ nhưng mọi người vẫn tìm được tiếng nói chung khi ngày càng nhiều người có thể sử dụng tiếng Anh và kết nối với nhau từ niềm đam mê chung về xe cổ”, anh chia sẻ.

Anh Thủy hiện là thành viên trong ban điều hành nhiều hội nhóm xe cổ với hàng chục nghìn thành viên, có thể kể đến như Hội Xe Ô Tô Cổ Sài Gòn (Saigon Classic Cars Club), Hội Ô Tô & Xe Máy Cổ Việt Nam (Vietnam Vintage Motorcycles & Cars), Hội Những Người Yêu Xe MZ ETZ, Hội Jawa-MZ Việt Nam…nơi mà những người yêu thích xe cổ có thể giao lưu và học hỏi lẫn nhau. 

Anh Thủy tham gia dự án tái hiện Sài Gòn xưa với xe cổ cùng nhóm Sài Gòn Cõi Nhớ.

Cùng với một số anh chị em yêu thích Sài Gòn xưa, anh cũng là thành viên hoạt động tích cực trong nhóm Sài Gòn Cõi Nhớ, nơi các thành viên tái hiện lại Sài Gòn những ngày tháng cũ bằng những bức hình theo phong cách cổ điển cùng những chiếc xe gắn bó với lịch sử Sài Gòn xưa. Việc giao lưu với các hội nhóm hay cá nhân sưu tầm xe cổ quốc tế cũng thường xuyên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh để xây dựng mối giao lưu tốt đẹp với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, anh Thủy đã từng tổ chức nhiều buổi giao lưu, diễu hành với bạn bè quốc tế bằng xe cổ mà anh gọi là “classic city tour” để giới thiệu cho bạn bè quốc tế về TP. Hồ Chí Minh ngày nay khi di chuyển trên những chiếc xe cổ gắn với Sài Gòn xưa. Cùng với đó là Lễ Hội Xe Cổ Sài Gòn vào năm 2018 và 2019 thu hút hàng chục ngàn lượt người tới tham gia và giao lưu. Những hoạt động này thực sự đã gây được thiện cảm và hình ảnh đẹp trong cộng đồng Việt Nam cũng như quốc tế.

Jawa Ogar được trưng bày tại Lễ hội Xe cổ Sài Gòn lần 2 (2019), một chiếc xe quý hiếm và độc nhất tại Việt Nam.

Năm 2019 khi hãng xe Jawa tại Ấn Độ cho ra đời một số dòng xe mang phong cách Jawa cổ điển, anh Thủy đã có chuyến thăm và giao lưu cùng hãng xe Jawa Ấn Độ và trải nghiệm xe tại phòng trưng bày ở New Dehli.

Trong suốt thời gian qua, anh Thủy vẫn không khỏi canh cánh trong lòng về việc có thể hoàn thành việc xin giấy phép chính thức cho hội xe cổ Việt Nam để những người yêu thích và sưu tập xe cổ có thể danh chính ngôn thuận sinh hoạt trong một tổ chức quy củ và được pháp luật công nhận. Ngoài ra, anh cũng mong muốn ở Việt Nam có viện bảo tàng xe cổ, nơi có thể lưu giữ những chiếc xe cổ và hình ảnh liên quan để giới thiệu với cộng đồng về văn hóa giao thông của Việt Nam trong thế kỷ đã qua.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới