Slater cho biết anh chụp bức ảnh này tại vùng nước nông ở Vịnh Monterey.
"Hình ảnh này cho thấy vẻ đẹp và sự phiêu lưu có thể tìm được ở những nơi không ngờ tới", anh chia sẻ.
Bức ảnh của Slater đạt giải quán quân ở hạng mục "Đời sống dưới nước" tại Cuộc thi Big Picture của Viện Khoa học California.
Những con sao biển trong ảnh đều là sao dơi - một loài ăn xác, có nhiều màu sắc sặc sỡ. Sinh vật này đóng vai trò quan trọng trong việc tái chế các xác chết dưới đáy đại dương thành năng lượng và chất dinh dưỡng sau đó đưa nó trở lại mạng lưới thức ăn biển.
Lũ sao dơi xâu xé xác của sư tử biển. (Ảnh: David Slater)
Sao biển dơi có những "đốm mắt" cảm nhận ánh sáng ở cuối mỗi cánh tay. Tế bào khứu giác dưới cánh tay cho phép chúng "nếm" các hóa chất mà động vật không xương sống nhỏ hoặc xác chết trong nước để lại. Khi tìm thấy thức ăn, chúng sẽ đẩy một trong hai dạ dày ra ngoài miệng và tiết ra các enzym tiêu hóa để phân hủy thức ăn.
Không rõ con sư tử biển trong ảnh đã chết thế nào. Một số giả thiết đưa ra là nó có thể chết do nguyên nhân tự nhiên hoặc tác động có yếu tố con người như va đập tàu, nuốt phải nhựa hoặc vướng vào ngư cụ.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng con sư tử biển trên là một con sư tử biển California hoặc sư tử biển Steller. Hai loài này có phạm vi hoạt động tương đồng.
Trên thực tế, quần thể sư tử biển California đang tăng mạnh về số lượng và được xếp loài "ít quan tâm" trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Trong khi đó, quần thể sao dơi lại đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ đại dương tăng cao góp phần làm lây lan một căn bệnh mới có tên hội chứng suy mòn sao biển lần đầu tiên xuất hiện ở Alaska vào năm 2013.
Sao dơi là một trong những loài có nguy cơ mắc hội chứng này, theo Monterey Bay Aquarium.